Thiên Long bát bộ
Hồi 99 (Cuối): Giáo Đơn Vu Chiết Tiễn, Lục Quân Tích Dịch, Phấn Anh Hùng Nộ (2)
- Truyenconect
- Thiên Long bát bộ
- Hồi 99 (Cuối): Giáo Đơn Vu Chiết Tiễn, Lục Quân Tích Dịch, Phấn Anh Hùng Nộ (2)
Hồi 99 (Cuối): Giáo Đơn Vu Chiết Tiễn, Lục Quân Tích Dịch, Phấn Anh Hùng Nộ (2)
Tống Liêu thoát khỏi một trường can qua. Nhân, tình, nghĩa vẹn cả ba, Thân kia dẫu thác danh đà lưu phương.
***
Tiêu Phong đáp:
- Tổ tiên người Khất Đan chúng ta thời đó cũng khổ chẳng khác gì người Hung Nô.
Huyền Độ thở dài một tiếng nói:
- Chỉ khi nào tất cả vua chúa tướng lãnh trong thiên hạ đều sùng tín Phật pháp, giữ lòng từ bi thì lúc đó mới hết được cái thảm cảnh chiến tranh.
Tiêu Phong đáp:
- Không biết đến năm nào tháng nào mới có được một thế giới thái bình như thế.
Cả đoàn người tiếp tục đi về hướng tây, thấy ba phía đông nam bắc chỗ nào cũng lửa đỏ rực, suốt đêm chưa tắt, quân Liêu vẫn đốt phá chém giết đuổi theo. Quần hùng trong dạ ai ai cũng phẫn nộ, luôn mồm chửi rủa, nguyện cùng quân địch một trận tử chiến. Phạm Hoa nói:
- Quân Liêu càng đuổi càng gần, cuối cùng rồi mình sẽ vào cảnh lui cũng không xong. Theo ý kiến của huynh đệ, chi bằng chúng ta phân tán ra khắp nơi khiến bọn chúng không biết hướng nào mà đuổi.
Ngô Trường Phong lớn tiếng nói:
- Thế thì có khác gì chịu thua? Phạm tư mã, ông chớ có làm tăng khí thế địch mà làm giảm uy phong mình, thắng cũng được mà thua cũng được, nhất quyết phải cùng bọn Liêu cẩu kia một mất một còn.
Còn đang nói chuyện đột nhiên nghe vút một tiếng, một mũi vũ tiễn từ góc đông nam bắn tới, một bang chúng Cái Bang trúng tên ngã xuống, kế đó từ sau núi một đội Liêu binh hò hét xông ra. Toán quân đột kích đó chừng độ năm trăm tên, vượt qua những người đoạn hậu, chạy một mạch theo đường tắt tấn công ngang hông. Ngô Trường Phong gào lên:
- Giết!
Y xông lên trước tiên. Quần hùng nén giận đã lâu, ai nấy hết sức chiến đấu, người đã đông hơn lại ai nấy võ nghệ cao cường, vừa la hét vừa chém giết thế như chặt dưa tàn sát quân Liêu, chỉ chừng nửa giờ hơn năm trăm lính Liêu đã bị giết không còn một mống. Độ hơn chục tên trèo núi bỏ trốn nhưng đều bị những hào kiệt khinh công cao cường đuổi theo giết nốt.
Quần hào đánh thắng một trận, reo hò vang dội, tinh thần phấn chấn. Phạm Hoa len lén thương nghị với Huyền Độ, Hư Trúc, Đoàn Dự:
- Chúng ta chỉ mới thắng được một đội nhỏ quân Liêu, một trận đánh rồi, đại quân Liêu sẽ đến ngay, mình mau chạy về hướng tây.
Nói chưa dứt lời đã nghe phía đông có tiếng ầm ầm vọng đến. Quần hào cùng quay sang thấy bụi bay mù mịt như một đám mây đang bốc lên che cả bầu trời. Chỉ trong khoảnh khắc, ai nấy mặt mày bần thần, không nói năng gì nữa, nghe tiếng rầm rầm chẳng khác gì sấm động truyền từ xa, hiển nhiên đại đội binh mã đang kéo tới, không biết bao nhiêu vạn người.
Quần hào đã từng chứng kiến chém giết nhiều lần nhưng đại quân tiến như thế này thì chưa từng nghe, so với cuộc chiến ngoài thành Nam Kinh quân Liêu đông không biết gấp bao nhiêu lần. Ai nấy tuy đều là những tráng sĩ lớn mật nhưng thấy quân uy chấn động đất trời đều không khỏi khiếp vía, toát mồ hôi lạnh.
Phạm Hoa kêu lớn:
- Chúng vị huynh đệ, địch nhân thế lớn, chết chỉ uổng mạng. Núi xanh vẫn còn đó, Không sợ thiếu củi đun. Hôm nay chúng ta tạm nhường chúng rồi tìm cách phản kích sau.
Quần hào lập tức lên ngựa, chạy về hướng tây nhưng tiếng rầm rầm vẫn đuổi theo không ngớt. Tối hôm đó mọi người không nghỉ ngơi, mỗi lúc thấy một gần Nhạn Môn Quan nên càng ra roi, biết rằng nếu qua được cửa ải rồi, cố găng thủ ngự, quân địch tuy đông nhưng phá được cửa quan cũng không phải dễ.
Trên đường ngựa liên tiếp ngã lăn ra chết, người thì thi triển khinh công, kẻ thì hai người cưỡi chung một con. Chạy đến khi trời sáng thì chỉ còn cách Nhạn Môn Quan chừng mươi dặm, ai nấy lúc ấy mới yên tâm, xuống ngựa cầm cương chậm rãi đi bộ để cho con vật lấy lại sức. Thế nhưng tiếng rầm rầm của binh mã đuổi theo đằng sau thì vẫn còn, mỗi lúc một thêm vang dội.
Tiêu Phong từ sơn lãnh trở xuống sườn núi bất chợt thấy một tảng đá lớn không khỏi giật mình nghĩ thầm: "Năm xưa Huyền Từ phương trượng, Uông bang chủ đã thống lãnh quần hào Trung Nguyên, phục kích cha ta, giết chết mẹ ta cùng không ít võ sĩ Khất Đan cũng là ở chỗ này". Ông nghiêng đầu nhìn thấy tên vách núi vẫn còn dấu búa bạt chữ đi, chính là nơi Huyền Từ xóa bỏ tự tích của Tiêu Viễn Sơn.
Tiêu Phong chậm rãi quay đầu lại, thấy bên cạnh thạch bích có một cây hoa, tai còn văng vẳng nghe tiếng A Châu nấp sau cây này nói:
- Kiều đại gia, ông còn đánh nữa, chắc ngọn núi này cũng sẽ đổ mất thôi.
Ông ngơ ngẩn, mấy câu nói nhu mì của A Châu vẫn còn vang vang trong đầu:
- Thiếp... thiếp ở đây chờ đại gia đã năm ngày năm đêm, chỉ sợ ông không đến. Ông... ông quả nhiên đến rồi, nhờ trời phù hộ nên ông vẫn khỏe mạnh bình thường.
Tiêu Phong nước mắt ròng ròng, đi đến bên cạnh, giơ tay xoa xoa thân cây thấy nay đã cao hơn khi ông gặp lại A Châu nhiều, nhất thời trong lòng thương cảm quên hết cả mọi sự chung quanh. Bỗng nghe có tiếng lảnh lót gọi:
- Tỉ phu! Mau chạy thôi! Chạy thôi!
A Tử chạy đến nắm áo Tiêu Phong. Tiêu Phong ngẩng đầu nhìn thấy ở xa xa đông nam bắc ba mặt trường mâu quân Liêu chĩa lên trời tua tủa như rừng, hiển nhiên đang vây mình lại. Tiêu Phong gật đầu nói:
- Được, mình lui vào trong Nhạn Môn Quan rồi tính sau.
Khi đó quần hào đã tụ tập ở trước cửa ải rồi. Tiêu Phong và A Tử cưỡi ngựa song song chạy đến nhưng cửa vẫn đóng chặt. Trên cửa quan một viên quan người Tống đứng trên đầu thành, lớn tiếng nói:
- Phụng mệnh Trương tướng quân chỉ huy sứ trấn thủ Nhạn Môn Quan có ra lệnh rằng: Các ngươi nếu là bách tính Trung Nguyên thì được nhập quan nhưng không biết có cấu kết với quân Liêu làm gian tế hay không, thành thử các ngươi vứt binh khí xuống để tra xét từng người. Nếu trên người không có dấu quân khí, Trương tướng quân sẽ khai ân, để cho các ngươi vào trong ải.
Câu nói vừa dứt, quần hào liền nhao nhao lên. Có người nói:
- Bọn ta nghìn dặm bôn ba, hết sức chống với quân Liêu, sao lại nghi làm gian tế là thế nào?
Có người nói:
- Bọn ta mang theo binh khí là để giúp tướng quân kháng Liêu. Nếu như không có binh khí trong tay thì làm sao đánh với quân Liêu được?
Gặp người tính tình nóng nảy táo tợn liền chửi ngay:
- Mẹ ngươi chứ, không mở cho ông vào hả? Tất cả tấn công vào bây giờ.
Huyền Độ vội vàng ngăn lại, quay sang gã quan quân nói:
- Phiền các hạ bẩm lại với Trương tướng quân: Chúng tôi đều là bách tính trung nghĩa của Đại Tống. Địch quân chớp mắt sẽ đến ngay, nếu còn tra xét thì sẽ mất thời giờ, khi đó cửa mở ra sẽ rất nguy hiểm.
Gã quan quân đã nghe có tiếng người chửi rủa, lại thấy quần hào không hiếm những người ăn mặc quái lạ, không giống nhân sĩ Trung Thổ bèn nói:
- Lão hòa thượng, ông bảo tất cả đều là lương dân Trung Thổ, ta xem nhiều người đâu phải dân Trung Quốc? Được rồi, ta mở cho một mặt lưới, người Đại Tống thì được vào ải, còn không phải dân Đại Tống thì không được vào.
Quần hào ngơ ngẩn nhìn nhau, ai nấy phẫn nộ. Bộ thuộc của Đoàn Dự là thần dân nước Đại Lý, còn bộ thuộc của Hư Trúc thì có đủ các bộ tộc, Tây Vực có, Tây Hạ có, Thổ Phồn có, Cao Ly có, nếu chỉ người Đại Tống mới được vào thì đại bộ phận của nước Đại Lý và cung Linh Thứu sẽ bị chặn lại. Huyền Độ nói:
- Tướng quân minh giám: Chúng tôi ở đây có rất nhiều đồng bạn, có kẻ là người Đại Lý, có kẻ là người Tây Hạ, tất cả liên thủ chống lại quân Liêu, đều là anh em cả, chứ đâu có phân biệt ai là người Tống, ai không?
Lần này Đoàn Dự dẫn bộ thuộc lên phương bắc giữ gìn cực kỳ bí mật, không tiết lộ mình là chủ một nước, để phòng đại thần Tống triều gia hại hay bắt giữ làm con tin, vả lại Đại Lý và Liêu quốc hai bên cách nhau xa thật nhưng cũng không muốn công khai đối địch nên Huyền Độ không đề cập đến việc Đại Lý có một nhân vật cực trọng yếu nơi đây.
Gãn quan quân kia khinh khỉnh nói:
- Nhạn Môn Quan là yết hầu của Đại Tống, quan trọng là dường nào? Đại đội binh mã quân Liêu sẽ tới ngay, nếu như ta tùy tiện mở cửa quan, Liêu binh thừa cơ xông vào, cái tội tày trời đó rồi sau này ai chịu cho?
Ngô Trường Phong không còn nhịn nổi nữa, lớn tiếng quát nạt:
- Ngươi bớt la lối một câu, mau sớm mở cửa, có phải mọi sự xong xuôi hay không?
Gã quan quân cáu tiết quát lại:
- Thằng ăn mày già kia, trước mặt bản quan, ai cho ngươi được mở mồm?
Y phất tay một cái, trên thành lập tức xuất hiện hơn nghìn cung thủ, cung tên giương sẵn, nhắm thẳng xuống dưới. Gã quan quân lại hét:
- Mau mau lui ra, các ngươi còn ở đây nói lời xằng bậy mê hoặc lòng người, nhiễu loạn lòng quân thì ta sẽ ra lệnh phát tiễn đó.
Huyền Độ thở dài một tiếng, không biết phải tính sao. Nhạn Môn Quan hai bên núi cao vút tận mây, cửa ải này có tên là Nhạn Môn, ý nói hồng nhạn khi bay về phương nam, cũng phải theo khe giữa hai ngọn núi mà bay đủ biết địa thế hiểm yếu dường nào. Quần hào tuy không hiếm kẻ khinh công cao cường có thể trèo non vượt lãnh nhưng phần đông không thể nào chạy được ắt sẽ bị quân Liêu giết chết.
Chỉ thấy quân Liêu đi theo đường núi từ hai mặt đông tây càng lúc càng khép lại dần cùng theo chính diện tiến tới. Thế nhưng ngoài tiếng vó ngựa, tiếng giáp sắt, tiếng gió thổi không nghe một tiếng hò reo nào, quân kỷ quả thực nghiêm minh, đúng là một quân lữ tinh nhuệ. Từng đội quân Liêu xếp thành trận thế ép tới cửa ải, tới khi trong tầm bắn tên rồi liền dừng lại. Nhìn ra ba phía đông tây bắc chỗ nào cũng cờ quạt phất phới, nhân mã không biết là bao nhiêu mà kể.
Tiêu Phong lớn tiếng nói:
- Các vị ở đâu tại đó không nên di động, chờ tại hạ phân giải với Liêu đế.
Ông không đợi Đoàn Dự, A Tử ngăn trở, đã một mình một ngựa chạy lên. Hai tay ông giơ cao khỏi đầu, ý cho biết không có binh khí cung tên, sang sảng cất tiếng:
- Tiêu Phong có vài lời muốn tâu lên Đại Liêu hoàng đế, xin bệ hạ ra mặt.
Mấy câu đó ông dùng nội lực truyền ra, thanh âm vang vọng tận xa, mấy vạn quân Liêu ai nấy đều nghe rõ ràng không khỏi biến sắc. Một hồi sau, từ trong quân Liêu tiếng tù và vang dậy, thiên quân vạn mã tựa như sóng bể dạt sang hai bên, tám lá cờ vàng do tám kỵ sĩ từ trong trận cầm chạy ra phần phật tung bay trước gió. Sau tám lá hoàng kỳ là những đội quân cầm trường thương, đao phủ, cung tên, thuẫn bài chia thành hai đội, cuối cùng mới đến mười đại tướng mặc giáp sắt bảo vệ Gia Luật Hồng Cơ tiến ra khỏi trận.
Quân Liêu liền hô to:
- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Tiếng hô vang dậy chấn động cả sơn cốc. Quân Tống trên ải thấy uy thế Liêu binh không khỏi bàng hoàng. Gia Luật Hồng Cơ tay cầm bảo đao giơ cao, quân Liêu lập tức im bặt, trừ tiếng ngựa hí, không còn một tiếng nào khác. Gia Luật Hồng Cơ hạ bảo đao xuống, cười ha hả nói:
- Tiêu đại vương, ngươi bảo sẽ dẫn quân Liêu nhập quan, sao cửa ải chưa thấy mở?
Lời vừa nói ra, trên ải lập tức có người thông dịch lại cho viên quan trấn thủ nghe. Quan quân giữ thành lập tức huyên náo, chỉ mặt Tiêu Phong chửi bới ầm ĩ. Tiêu Phong biết là Gia Luật Hồng Cơ tính dùng kế ly gián, để quân Tống không mở cửa cho bên mình vào, trong lòng chua xót, lập tức nhảy xuống ngựa tiến lên mấy bước nói:
- Bệ hạ, Tiêu Phong này phụ bạc ân điển thâm hậu khiến cho hoàng thượng phải ngự giá thân chinh, quả là đáng chết.
Còn đang nói bỗng có hai bóng người lao vụt tới nhanh như ánh chớp, xông thẳng vào Gia Luật Hồng Cơ, chính là Hư Trúc và Đoàn Dự. Hai người thấy tình thế có chiều bất lợi, biết rằng việc ngày hôm nay chỉ còn cách bắt lấy Liêu đế để uy hiếp thì mới mong bảo trì được đại cục, ra dấu cho nhau rồi chia hai bên tiến vào.
Khi Gia Luật Hồng Cơ ra trận đã hờm trước đề phòng Tiêu Phong lại giở lối cũ bắt sống cha con Sở vương năm nào. Chỉ huy sứ đội thân binh liền quát lên một tiếng, hơn ba trăm tên lính cầm khiên lập tức tụ lại xếp thành một bức tường, chắn ngay trước mặt vua Liêu. Lính cầm trường mâu, lính cầm đao phủ cũng đứng xếp hàng khít khao ngay trước mặt đội thuẫn bài.
Thế nhưng Hư Trúc không phải còn như ngày trước, nay đã được chân truyền của Thiên Sơn Đồng Mỗ, lại từng nghiên cứu tất cả các võ học bí áo trên vách đá Linh Thứu Cung, võ công cao siêu tới mức tùy tâm sở dục. Đoàn Dự thì sau khi hút được trọn vẹn công lực một đời của Cưu Ma Trí, nội lực thâm hậu, cũng vào loại chấn cổ thước kim, thi triển Lăng Ba Vi Bộ thì làm sao quân sĩ nước Liêu ngăn nổi?
Đoàn Dự chẳng khác gì con chạch lách đông lượn tây, lẻn qua đám lính cầm giáo cầm đao khít khao chỉ cách chưa đầy một thước. Bọn lính cầm mâu đã không đâm trúng được Đoàn Dự lại vì quá gần nên vướng lẫn nhau, người nọ đụng phải người kia.
Hư Trúc liên tiếp vươn tay, chộp ngực chộp lưng quân Liêu, ném ra bên ngoài, càng lúc càng xông vào gần Gia Luật Hồng Cơ. Hai viên đại tướng giục ngựa xông ra, mũi thương cùng đâm vào ngực Hư Trúc. Hư Trúc đột nhiên nhảy vọt lên, hai chân chia ra đá vào đầu hai mũi giáo. Hai viên tướng Liêu cùng quát lên, rung thương một cái định chấn động cho Hư Trúc rớt xuống. Hư Trúc liền mượn ngay sức bật của ngọn giáo, nhảy vọt lên thêm một lần nữa, từ trên không nhảy bổ xuống đầu Hồng Cơ.
Một người thì trơn tuột như cá lượn, một người thì vùn vụt như chim bay, cùng tấn công khiến Gia Luật Hồng Cơ hoảng hốt, vung bảo đao lên chém vào Hư Trúc đang còn ở trên không. Tay trái Hư Trúc lập tức vươn ra, chộp được sống đao, thừa thế đang rơi cuộn lại bắt luôn cổ tay Liêu đế. Ngay lúc đó Đoàn Dự cũng đã vượt qua được rừng người, xông vào nắm được vai Gia Luật Hồng Cơ. Hai người cùng quát:
- Đi thôi!
Cả hai cùng đưa tay vật một cái đã lôi được thân thể cao to của y xuống khỏi lưng ngựa, quay đầu chạy ra. Quân Liêu bốn phía thấy hoàng đế bị bắt, kinh hãi la hoảng lên, nhất thời không biết phải làm thế nào. Mấy chục thân binh liều mạng xông lên cứu chúa đều bị Hư Trúc, Đoàn Dự đá văng ra xa.
Hai người bắt được Liêu đế rồi, trong bụng mừng rỡ đột nhiên thấy Tiêu Phong phi thân ra chặn lại, cùng kêu lên:
- Đại ca!
Ngờ đâu Tiêu Phong song chưởng đánh tới, vù vù hai tiếng chia ra tập kích hai bên. Hai người kinh hãi, thấy chưởng lực chẳng khác gì bài sơn đảo hải, đành phải giơ tay lên đỡ, bình bình bốn chưởng đụng nhau. Chưởng phong rung chuyển, Tiêu Phong tiến lên thừa thế nắm ngay Gia Luật Hồng Cơ.
Khi đó quân Liêu và quần hào Trung Thổ cũng đã từ hai bên ùa tới, một bên định cứu hoàng đế, một bên muốn tiếp ứng cho Tiêu Phong, Hư Trúc, Đoàn Dự.
Tiêu Phong quát lớn:
- Không ai được động đậy. Ta muốn nói chuyện với hoàng đế Đại Liêu.
Liêu quân và quần hào lập tức dừng lại, bên nào cũng sợ bên mình bị thương nên chỉ đứng xa xa hò hét không dám xung sát, cũng không ai dám buông tên. Hư Trúc và Đoàn Dự cũng đã lui ra ba bước, chia ra đứng sau lưng Gia Luật Hồng Cơ đề phòng y chạy trở về, đồng thời ngăn trở cao thủ Khất Đan xông lên cứu giá.
Gia Luật Hồng Cơ mặt cắt không còn giọt máu, nghĩ thầm: "Tiêu Phong này tính tình cực kỳ táo tợn, ta nhốt y vào chuồng sư tử, làm nhục y quá đỗi. Bây giờ rơi vào tay y rồi, chắc hẳn y sẽ báo thù không để cho ta sống sót". Bỗng nghe Tiêu Phong nói:
- Bệ hạ, hai người này là anh em kết nghĩa của thần, không làm hại bệ hạ đâu, hoàng thượng cứ yên tâm.
Gia Luật Hồng Cơ hừ một tiếng quay lại nhìn Hư Trúc, rồi quay sang nhìn Đoàn Dự. Tiêu Phong tiếp:
- Nhị đệ của thần là Hư Trúc, chủ nhân cung Linh Thứu, còn tam đệ là Đoàn công tử nước Đại Lý, vi thần đã từng tâu lên bệ hạ rồi.
Gia Luật Hồng Cơ gật đầu:
- Quả là giỏi thật.
Tiêu Phong nói:
- Chúng tôi sẽ thả bệ hạ về trận, chỉ mong bệ hạ ban thưởng cho.
Gia Luật Hồng Cơ tưởng chừng không tin vào tai mình nữa, nghĩ thầm: "Trên đời này sao lại có chuyện dễ dàng thế nhỉ? A, đúng rồi, Tiêu Phong đã hồi tâm chuyển ý, cầu ta phong cho ba người làm quan". Y đổi mặt tươi cười nói:
- Các ngươi cầu khẩn chuyện gì, ta tự nhiên không gì không thuận.
Y vốn dĩ giọng nói run run nhưng hai câu này đã trở lại vẻ tôn nghiêm của một hoàng đế. Tiêu Phong nói:
- Bệ hạ đã là tù binh của hai vị huynh đệ, cứ theo qui củ của người Khất Đan chúng ta, bệ hạ phải lấy tài hóa đem ra chuộc.
Gia Luật Hồng Cơ nhíu mày:
- Các ngươi muốn gì?
Tiêu Phong đáp:
- Vi thần mạo muội thay hai vị huynh đệ mở lời, chỉ xin kim khẩu bệ hạ bằng lòng thôi.
Hồng Cơ cười ha hả nói:
- Trên cõi đời này, những gì ta kiếm không ra chắc cũng chẳng nhiều, con mãnh sư kia cứ việc nói ra đi.
Tiêu Phong đáp:
- Chỉ xin bệ hạ bằng lòng lập tức thoái binh, trong đời bệ hạ không để một tên quân, một tên lính vượt qua biên giới Liêu Tống.
Đoàn Dự nghe nói hết sức hả dạ, nghĩ thầm: "Liêu quân không vượt biên giới Tống Liêu thì đâu có thể chắp cánh mà bay sang xâm phạm Đại Lý mình được". Chàng liền đáp ngay:
- Đúng thế, chỉ cần hoàng thượng đáp lời là chúng tôi sẽ thả về ngay.
Lại chợt nghĩ: "Bắt giữ hoàng đế nước Liêu, công lao nhị ca còn nhiều hơn ta, không biết y muốn gì?". Đoàn Dự liền quay sang hỏi Hư Trúc:
- Nhị ca muốn hoàng đế Khất Đan chuộc thân bằng gì?
Hư Trúc lắc đầu nói:
- Ta cũng chỉ muốn y bằng lòng điều đó thôi.
Khuôn mặt Gia Luật Hồng Cơ sầm xuống, trầm giọng hỏi:
- Các ngươi dám lớn mật uy hiếp ta sao? Nếu ta không bằng lòng thì thế nào?
Tiêu Phong dõng dạc nói:
- Nếu thế thì thần xin được cùng bệ hạ đồng qui ư tận, ngọc đá đều tan. Hai chúng ta năm xưa kết nghĩa đã từng có lời thề chỉ mong cùng năm, cùng tháng, cùng ngày chết chung với nhau.
Gia Luật Hồng Cơ chột dạ, nghĩ thầm: "Gã Tiêu Phong này không sợ trời, không sợ đất, là đồ vong mệnh, xưa nay nói một là một, hai là hai. Nếu như ta không chịu ắt thể nào cũng mạo phạm, chết dưới tay tên mãng phu này thì quả là uổng quá".
Y bèn cười ha hả lớn tiếng nói:
- Chỉ một mạng Gia Luật Hồng Cơ này mà đổi lấy mấy chục năm bình an của hai nước Tống Liêu. Hảo huynh đệ, ngươi coi mạng ta quả là đáng trọng.
Tiêu Phong đáp:
- Bệ hạ là chúa tể Đại Liêu, khắp thiên hạ còn gì quí trọng hơn được nữa?
Gia Luật Hồng Cơ lại cười nói:
- Nếu nói thế, năm xưa người Nữ Chân đòi ta ba mươi xe vàng, ba trăm xe bạc, ba nghìn tuấn mã thế là còn ít, phải không?
Tiêu Phong chỉ hơi khom lưng, không dám trả lời. Gia Luật Hồng Cơ quay đầu lại thấy tướng sĩ thủ hạ, kẻ gần nhất cũng phải cách mình đến hơn trăm bước, không cách nào có thể cứu mình thoát hiểm, tính toán hơn thiệt, trên đời này có gì quí hơn tính mạng, lập tức từ ống tên rút ra một mũi điêu vũ lang nha tiễn, hai tay bẻ gập lại, cắc một tiếng, gãy ra làm đôi, vứt xuống đất nói:
- Ta bằng lòng đó!
Tiêu Phong khom lưng đáp:
- Đa tạ bệ hạ.
Gia Luật Hồng Cơ quay người lại, cất bước toan đi thấy Hư Trúc và Đoàn Dự vẫn trừng trừng nhìn mình, không có vẻ gì muốn tránh ra nhường lối, quay lại nhìn Tiêu Phong, thấy ông cũng không nói năng gì, lập tức hiểu ra, biết ba người sợ mình sau này nuốt lời, lập tức rút phắt bảo đao giơ lên cao lớn tiếng nói:
- Ba quân Đại Liêu nghe đây!
Trong quân Liêu tiếng trống trận thúc lên rộn rã, vừa hết một hồi, lập tức ngưng lại. Gia Luật Hồng Cơ nói:
- Đại quân trở lại phương bắc, không tiếp tục nam chinh nữa.
Y ngừng lại một chút nói tiếp:
- Trong suốt đời ta sẽ không để một người lính của nước Liêu xâm phạm biên giới Đại Tống.
Y nói xong hạ đao xuống, tiếng trống trong quân lại nổi lên. Tiêu Phong khom lưng nói:
- Vi thần cung kính tiễn đưa bệ hạ về trận.
Hư Trúc và Đoàn Dự tránh sang hai bên, đi vòng ra sau lưng Tiêu Phong. Gia Luật Hồng Cơ vừa mừng vừa sợ, lại thêm hổ thẹn tuy muốn ra khỏi nơi hiểm địa cho mau nhưng không muốn để cho Tiêu Phong và quân Liêu thấy mình kém thế nên cố gắng trấn tĩnh, khoan thai trở về.
Trong đám quân Liêu có vài mươi thân binh phi ngựa chạy ra nghinh tiếp. Gia Luật Hồng Cơ lúc đầu bước đi còn chậm rãi nhưng càng lúc càng nhanh, chân lảo đảo dường như không còn hơi sức, tay run lẩy bẩy, mồ hôi trán tươm ra ròng ròng, khi thị vệ xuống ngựa dắt tọa kỵ của y đến thì Gia Luật Hồng Cơ người mềm như bún, chân trái đã đặt vào bàn đạp rồi mà không sao lên yên nổi. Hai tên thị vệ liền đỡ sau lưng, dụng lực nhấc bổng lên, Gia Luật Hồng Cơ mới lên ngựa được.
Quân Liêu thấy hoàng đế bình yên trở về, cùng cất tiếng reo hò:
- Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Khi đó binh lính người Tống trên Nhạn Môn Quan, quần hào ở dưới đã cùng nghe thấy Liêu đế hạ lệnh thoái binh, lại thề suốt đời không đem quân phạm giới, ai nấy hoan hỉ reo hò như sấm động. Mọi người đều biết người Khất Đan tuy hung tàn hiếu sát nhưng lại cực kỳ thủ tín, đã giao ước gì với Đại Tống rồi, rất hiếm khi nuốt lời, huống chi Liêu đế đứng trước trận tiền chính miệng hạ chỉ, ngày sau trở mặt thì dân chúng cùng bách quan trên dưới còn ai coi ông ta ra gì nữa, cái ngôi hoàng đế chưa chắc đã yên.
Gia Luật Hồng Cơ vẻ mặt uất hận, nghĩ thầm phen này mình bị Tiêu Phong bức bách, đáp lời một chuyện trọng đại như thế mới được yên thân trở về, thật không còn mặt mũi nào nữa, vô cùng tổn thương đến quốc uy nước Đại Liêu. Thế nhưng nghe tiếng hò reo vạn tuế của quân Liêu đầy vẻ chí thành, y đưa mắt nhìn khắp lượt sĩ tốt, thấy ai nấy mặt mày hớn hở, niềm vui lộ hẳn ra mặt.
Các sĩ tốt nghĩ đến mọi người lập tức ban sư, trở về đoàn viên cùng cha mẹ vợ con, không phải vạn dặm xa xôi chinh chiến, bỏ thân nơi xứ lạ quê người, mừng không sao kể xiết. Người Khất Đan tuy dũng mãnh thiện chiến, nhưng binh hung chiến nguy, ai dám chắc là mình không chết, hôm nay được miễn cái thảm họa này, ngoài một số tướng lãnh muốn chinh chiến để có dịp thăng quan phát tài, người người đều hoan hỉ.
Gia Luật Hồng Cơ trong dạ bàng hoàng: "Thì ra tướng sĩ của ta cũng chẳng mấy ai muốn tiến đánh Nam triều, nếu như xua binh nam chinh, chưa hẳn chỉ một trận đã toàn thắng". Y lại chợt nghĩ: "Cái bọn man tử Nữ Chân kia cực kỳ khả ố, để chúng ở sau lưng Khất Đan, thực là mối lo trong gan ruột, ta sẽ phái binh quét sạch chúng đi rồi tính sau". Y liền giơ bảo đao lên, cao giọng nói:
- Bắc Viện Đại Vương mau mau truyền lệnh, hậu đội biến thành tiền đội, ban sư Nam Kinh.
Trong quân tiếng kèn trống vang lừng, ngự chỉ truyền xuống, tiếng hò reo mới đầu ở gần dần dần truyền mỗi lúc một xa. Gia Luật Hồng Cơ quay đầu lại thấy Tiêu Phong vẫn còn đứng sừng sững tại chỗ cũ, cười khẩy một tiếng lớn tiếng nói:
- Tiêu đại vương, ngươi lập đại công cho Đại Tống như vầy, cao quan hậu lộc kể là nắm chắc trong tay rồi.
Tiêu Phong nói lớn:
- Bệ hạ, Tiêu Phong là người Khất Đan, hôm nay uy hiếp bệ hạ, thành đại tội nhân của nước Liêu, còn mặt mũi nào đứng trong trời đất?
Ông cúi xuống nhặt hai nửa mũi tên gãy, vận nội công vào, hai cánh tay giựt mạnh một cái, nghe phụp một tiếng cắm thẳng vào tim. Gia Luật Hồng Cơ kêu lên một tiếng kinh hoàng, giục ngựa chạy lên mấy bước nhưng lại gò cương dừng vó. Hư Trúc và Đoàn Dự hồn phi phách tán, cùng chồm tới kêu lên:
- Đại ca! Đại ca!
Thế nhưng hai nửa mũi lang nha tiễn đã cắm trúng tim, Tiêu Phong đôi mắt nhắm nghiền tắt thở rồi. Hư Trúc vội xé áo ông ra toan cứu chữa nhưng vết thương ở ngay tâm tạng không còn làm gì được nữa. Chỉ thấy trên ngực ông xâm hình một con thanh lang nhe răng, thần tình cực kỳ dữ tợn. Hư Trúc và Đoàn Dự khóc rống lên, phục xuống lạy.
Người trong Cái Bang cùng xông lên, vây quanh sì sụp, Ngô Trường Phong đấm ngực kêu than:
- Kiều bang chủ, tuy ông là người Khất Đan nhưng so với bọn người Hán vô dụng chúng tôi còn anh hùng gấp vạn lần.
Quần hào Trung Nguyên cũng xúm xít, có kẻ hạ giọng nghị luận:
- Kiều bang chủ quả thực là người Khất Đan sao? Thế sao ông ta lại quay sang tương trợ Đại Tống? Xem ra người Khất Đan cũng có anh hùng hào kiệt.
- Y từ nhỏ lớn lên với người Hán nên học được cái tính đại nhân đại nghĩa của người Hán.
- Hai nước bãi binh, ông ta trở thành một đại công thần hòa giải khó khăn, sao lại tự tìm cái chết nhỉ?
- Y tuy có công với Đại Tống nhưng ở nước Liêu thì thành tên giặc bán nước, phản quốc trợ địch, cho nên sợ tội tự sát.
- Cái gì mà sợ với chẳng không sợ? Kiều bang chủ anh hùng như thế, trên đời này còn sợ gì nữa?
Gia Luật Hồng Cơ thấy Tiêu Phong tự tận rồi, trong lòng hết sức hoang mang nghĩ thầm: "Y đối với Đại Liêu ta có công hay có tội? Y hết sức khuyên ta đừng phạt Tống, thế là vì người Tống hay vì người Khất Đan? Y cùng ta kết nghĩa anh em, trước sau đối với ta trung thành son sắt, hôm nay chết trước Nhạn Môn Quan, đâu phải vì tham cái công danh phú quí của Nam triều, thế... thế là thế nào?". Y gượng nở một nụ cười, lắc đầu, quay ngựa đi thẳng vào đám Liêu binh.
Tiếng vó ngựa dồn dập trổi lên, hàng nghìn hàng vạn quân Liêu đi về hướng bắc. Tướng sĩ không ngừng quay đầu, ái ngại nhìn thi thể Tiêu Phong nằm dưới đất. Chỉ nghe tiếng quác quác, một đoàn hồng nhạn bay ngang trên đầu đại quân qua Nhạn Môn Quan.
Hư Trúc, Đoàn Dự tất cả mọi người đứng vây quanh xác Tiêu Phong, người thì khóc nức nở, kẻ ngậm ngùi âm thầm rơi nước mắt. Bỗng nghe tiếng một thiếu nữ lanh lảnh kêu lên:
- Tránh ra, tránh ra! Tất cả tránh cả ra! Các người làm chết tỉ phu của ta rồi, còn ở đây giả vờ khóc lóc để làm gì?
Nàng vừa nói vừa hết sức xô mọi người ra chen vào, chính là A Tử. Bọn Hư Trúc chẳng ai muốn tranh cãi với nàng, thấy vậy vội dạt ra. A Tử trừng trừng nhìn vào thi thể Tiêu Phong, ngẩn ngơ một hồi, dịu dàng nói:
- Tỉ phu ơi, tất cả mọi người đều xấu xa, chẳng nên chấp họ làm gì, chỉ có A Tử là thực bụng yêu thương tỉ phu thôi.
Nói xong cúi xuống ôm lấy xác Tiêu Phong bồng lên. Tiêu Phong thân thể cao to, nửa trên cô gái kéo lên được nhưng hai chân vẫn lệt xệt dưới đất. A Tử lại tiếp:
- Tỉ phu bây giờ mới thực là ngoan, thiếp ôm chàng, chàng không đẩy thiếp ra. Phải thế chứ, thế mới là hay chứ.
Hư Trúc và Đoàn Dự hai người nhìn nhau nghĩ thầm: "Nàng thương tâm quá đỗi, xem ra thần trí thất thường". Đoàn Dự sụt sùi nói:
- Tiểu muội, Tiêu đại ca khẳng khái tựu nghĩa, người chết không thể nào sống lại được, em... em...
Chàng tiến đến toan đỡ lấy xác Tiêu Phong. A Tử sừng sộ gắt lên:
- Anh đừng đến đây cướp tỉ phu của tôi, anh ấy là của tôi, không ai được đụng đến.
Đoàn Dự quay đầu nháy mắt với Mộc Uyển Thanh. Mộc Uyển Thanh hiểu ý đi đến bên cạnh A Tử, dịu dàng nói:
- Tiểu muội tử, Tiêu đại ca qua đời, chúng mình bàn chuyện chôn cất anh ấy ra sao...
A Tử đột nhiên rú lên lanh lảnh khiến Mộc Uyển Thanh giật nảy người vội nhảy ngược trở ra. A Tử thét:
- Cút ra, cút ra ngay! Ngươi còn đến gần là ta một kiếm đâm chết tươi.
Mộc Uyển Thanh chau mày nhìn Đoàn Dự lắc đầu. Bỗng từ trong dãy núi bên cạnh cửa ải có tiếng người gọi:
- A Tử, A Tử, ta nghe thấy tiếng cô rồi, cô nương ở đâu đó? Cô nương ở đâu đó?
Giọng nói cực kỳ thê thảm, một số đông nhận ra đó là tiếng của Du Thản Chi, người giả tên Trang Tụ Hiền cũng là bang chủ Cái Bang. Mọi người quay qua nhìn về phía có tiếng nói, thấy Du Thản Chi hai tay cầm hai cây gậy trúc, gậy bên trái dò đường, gậy bên phải móc vào vai một hán tử trung niên, từ thung lũng đi lên. Người đàn ông trung niên kia chính là kẻ được chỉ định ở lại giữ Linh Thứu Cung Ô Lão Đại. Chỉ thấy y hình dung tiều tụy, áo quần rách rưới, thần tình ra chiều cam chịu, bọn Hư Trúc thoạt nhìn đã biết ngay Du Thản Chi ép y phải dẫn đi tìm A Tử, trên đường hẳn phải chịu nhiều đắng cay.
A Tử giận dữ đáp:
- Ngươi đến đây làm chi? Ta không muốn thấy ngươi, ta không muốn gặp ngươi.
Du Thản Chi vui mừng nói:
- A, quả nhiên cô nương ở đây, tôi nghe được tiếng cô nương rồi, sau cùng rồi cũng kiếm được cô nương.
Gậy bên phải vận kình đẩy một cái, Ô Lão Đại không tự chủ chạy vọt về phía trước. Hai người chạy thật nhanh, chỉ trong khoảnh khắc đã đến trước mặt A Tử. Hư Trúc và Đoàn Dự còn chưa biết tính sao, thấy Du Thản Chi cùng nghĩ thầm người này cam nguyện đem hai mắt tặng cho A Tử, có liên hệ với nàng cực kỳ sâu xa, may ra có thể khuyên giải cô gái, liền lùi lại mấy bước để mặc hai người trò truyện với nhau. Du Thản Chi nói:
- A Tử cô nương, cô khỏe chứ? Có ai coi rẻ cô nương không?
Trên khuôn mặt xấu xí hiện lên một nét tươi vui, lại ra chiều quan thiết. A Tử đáp:
- Nếu có người coi thường ta thì ngươi làm gì được họ?
Du Thản Chi vội đáp:
- Kẻ nào dám đắc tội với cô nương? Cô nương mau bảo tôi, tôi sẽ thí mạng với hắn.
A Tử cười nhạt một tiếng, chỉ vào mọi người đứng chung quanh nói:
- Tất cả bọn họ ai ai cũng khinh khi ta, ngươi giết sạch họ đi xem nào.
Du Thản Chi đáp:
- Vâng!
Y hỏi Ô Lão Đại:
- Lão Ô, ai là kẻ đắc tội với cô nương?
Ô Lão Đại đáp:
- Đông người lắm, ngươi giết không hết đâu.
Du Thản Chi đáp:
- Giết không hết cũng cứ giết, ai bảo họ dám đắc tội với cô nương.
A Tử bực tức nói:
- Ta hiện nay ở chung với tỉ phu, vĩnh viễn không bao giờ ngăn cách. Ngươi mau mau cút cho xa, ta không muốn thấy mặt ngươi nữa.
Du Thản Chi hết sức đau lòng, lắp bắp:
- Cô... cô nương không còn muốn gặp tôi...
A Tử cao giọng đáp:
- À, phải rồi, mắt ta là do ngươi tặng cho. Tỉ phu bảo là ta còn nợ ngươi một mối ân tình, bảo ta phải tử tế với ngươi, ta nghe thế không vui chút nào.
Nàng nói tới đây đưa tay phải lên đâm luôn vào mắt mình, đã móc được đôi con ngươi, hết sức ném vào Du Thản Chi kêu lên:
- Trả ngươi đó! Trả ngươi đó! Từ nay về sau, ta chẳng còn nợ nần gì ngươi nữa. Có thế tỉ phu ta mới khỏi ép ta, bảo ta phải đi theo ngươi.
Du Thản Chi tuy không nhìn thấy gì nhưng nghe tiếng người chung quanh la hoảng, thanh âm đầy vẻ hoảng hốt, biết ngay đã có đột biến, nghẹn ngào nói:
- A Tử cô nương! A Tử cô nương!
A Tử ôm xác Tiêu Phong, nhỏ nhẹ nói:
- Tỉ phu, chúng mình chẳng còn nợ nần ai điều gì. Hồi trước thiếp dùng độc châm bắn chàng, chỉ vì muốn chàng mãi mãi ở cạnh em, hôm nay quả đã được như tâm nguyện.
Nói xong lệt sệt ôm xác Tiêu Phong bước đi. Quần hào thấy máu từ đôi mắt nàng chảy ròng ròng trên khuôn mặt trắng bệch không khỏi kinh hãi nên đi đến đâu mọi người tránh ra đến đó. Chỉ thấy cô gái đi thẳng về phía sơn cốc ở bên sườn núi. Mọi người ai nấy kêu lên:
- Dừng lại! Dừng lại! Trước mặt là vực sâu.
Đoàn Dự phi thân chạy tới kêu lên:
- Tiểu muội, em...
Thế nhưng A Tử càng chạy nhanh hơn, đột nhiên chân đạp hẫng vào chỗ không, nhào người xuống vực sâu vạn trượng. Đoàn Dự giơ tay ra nắm lại, soẹt một tiếng chỉ nắm được chút vạt áo, đột nhiên bên cạnh có tiếng gió gấp gáp, ai đó đã bổ nhào tới, vội vàng nghiêng qua thấy Du Thản Chi cũng đã lao theo. Đoàn Dự kêu lên:
- Ối trời!
Chàng đưa mắt nhìn xuống chỉ thấy mây mù bao phủ, không biết vực núi sâu tới đâu. Quần hào đứng bên sơn cốc, ai nấy ngậm ngùi thở dài, người võ công hơi kém thấy vách đá đầy những đá tai mèo lởm chởm, nhọn hoắt như dao, không khỏi kinh tâm.
Những người tuổi cao như Huyền Độ, nhớ lại năm xưa Huyền Từ, Uông bang chủ phục kích võ sĩ Khất Đan ngoài Nhạn Môn Quan, biết mẫu thân Tiêu Phong cũng chết ở ngay cái vực này.
Bỗng nghe từ trên ải tiếng trống đánh thì thùng, gã quan quân kia lại lớn tiếng nói:
- Phụng đô chỉ huy sứ trấn thủ Nhạn Môn Quan truyền tướng lệnh: Các ngươi quả không phải là gian tế nước Liêu nên đặc biệt cho nhập quan nhưng phải an phận giữ gìn, không được ồn ào, nhất mực tuân thủ phép nước.
Quần hào đứng dưới liền nhao nhao chửi rủa:
- Bọn ta thà chết chứ không đi qua cái cửa ải do tên quan chó má kia trấn giữ.
- Nếu chẳng vì tên cẩu quan khiếp nhược kia thì Tiêu đại hiệp đâu có đến nỗi phải chết.
- Tất cả xông vào giết quách tên chó má kia đi!
Mọi người hung hăng chỉ vào cửa ải, hoa tay dậm chân không tiếc lời. Hư Trúc, Đoàn Dự cúi xuống vực sâu lạy mấy lạy, sau đó vượt qua núi mà đi.
Gã trấn thủ Nhạn Môn Quan thấy quần hào uy thế dũng mãnh vội đổi lệnh đóng chặt cửa không cho ai vào nữa, đợi cho mọi người chán lời, bỏ đường cái trèo qua núi xuôi nam cả rồi lúc ấy mới yên lòng. Y lập tức viết biểu báo tin thắng trận, cho khoái mã đưa về Biện Lương, nói là đích thân thống lãnh bộ hạ tướng sĩ, huyết chiến mấy ngày với hơn một chục vạn quân Liêu, nhờ hồng phúc tề thiên của hoàng thượng cùng chỉ bảo đúng đắn của đại thần trong triều nên đã xả thân giết được đại tướng nước Liêu là Nam Viện Đại Vương Tiêu Phong cùng mấy nghìn quân địch, Liêu chúa Gia Luật Hồng Cơ phải cụp đuôi chạy dài.
Tống đế Triệu Hú nhận được biểu hết sức mừng rỡ, truyền chỉ khao thưởng quân sĩ đóng ở chung quanh cửa quan, từ chỉ huy sứ trở xuống ai ai cũng được thăng quan tấn tước. Triệu Hú tự cho mình là anh minh vũ dũng, vượt xa Thái Tổ Thái Tông, ngày đêm cùng triều thần yếm ẩm, hoan lạc với các phi tần ở hậu cung, tiếng ca công tụng đức nghe đầy cả tai, biểu văn khánh chúc đại thắng gửi về nườm nượp.
***
Đoàn Dự cùng Hư Trúc, Huyền Độ, Ngô trưởng lão và quần hùng chia tay rồi liền cùng Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Hoa Hách Cấn, Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần trở về Đại Lý. Vào đến quốc cảnh, Vương Ngữ Yên và thị vệ võ sĩ Đại Lý đã ra tận biên giới nghênh tiếp, nghe Đoàn Dự kể lại tình trạng Tiêu Phong và A Tử ai nấy đều ngậm ngùi. Cả đoàn về nam, Đoàn Dự không muốn kinh động bách tính nên truyền lệnh không mặc sắc phục bách quan, ra đi thế nào cứ để nguyên như thế mà lên đường.
Hôm đó về đến kinh thành, Đoàn Dự muốn lên chùa Thiên Long để bái kiến Khô Vinh đại sư và bá phụ Đoàn Chính Minh nhưng trời đã sắp tối mà còn cách chùa đến hơn sáu mươi dặm, đành phải kiếm chỗ nghỉ ngơi. Bỗng nghe trong rừng có tiếng trẻ con reo lên:
- Bệ hạ! Bệ hạ! Chúng tôi lạy bệ hạ rồi, sao bệ hạ không cho kẹo?
Mọi người nghe thế ai nấy đều ngạc nhiên: "Sao lại có người nhận ra được hoàng thượng nhỉ?". Cả bọn tiến vào xem xét, nghe thấy trong rừng có người nói:
- Các ngươi phải xướng: Nguyện ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế, thế mới có kẹo.
Tiếng nói đó cực kỳ quen thuộc, chính là Mộ Dung Phục. Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên hoang mang, vội nắm lấy tay nhau, nép vào sau gốc cây, nhìn về phía có thanh âm, thấy Mộ Dung Phục ngồi trên một cái gò đất, đầu đội mũ giấy cao nghệu, thần sắc nghiêm trang.
Bảy tám đứa trẻ con nhà quê quì trước đống đất, lao xao nhắc lại:
- Nguyện ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
Bọn chúng vừa chúc tụng rầm rĩ vừa lạy như tế sao, có đứa thò tay giục:
- Cho kẹo đi, cho bánh đi!
Mộ Dung Phục đáp:
- Chư khanh bình thân, trẫm đã hưng phục được Đại Yên, lên ngôi đại bảo rồi, mọi người ai cũng được phong thưởng.
Bên cạnh gò đất một cô gái đứng ủ rũ, chính là A Bích. Nàng mặc một chiếc áo dài màu xanh lợt, khuôn mặt xinh xắn nhuốm vẻ tiều tụy buồn rầu, lấy kẹo bánh từ trong một chiếc giỏ, chia cho đám trẻ con miệng nói:
- Các cháu ngoan lắm, mai ra chơi nữa, lại được kẹo được bánh.
Giọng nàng nghẹn ngào, mấy giọt nước mắt lã chã rơi trên giỏ tre. Bọn trẻ con vỗ tay reo hò giải tán cùng nói:
- Mai lại ra nữa!
Vương Ngữ Yên biết rằng biểu ca thần trí đã thất thường, cái mộng đế vương càng lúc càng sâu, không khỏi bùi ngùi. Đoàn Dự nhìn thấy thần tình A Bích như thế, nỗi thương xót dâng tràn, định lên tiếng gọi nàng và Mộ Dung Phục cùng về Đại Lý để tính đường sắp xếp cho ổn thỏa nhưng thấy cô gái nhìn Mộ Dung Phục hết sức nhu tình, còn Mộ Dung Phục thì mặt mày đầy vẻ đắc ý thỏa mãn, trong bụng bàng hoàng: "Mỗi người có một duyên pháp khác nhau, Mộ Dung huynh và A Bích như thế này, với người khác thì thấy họ đáng thương, có biết đâu trong lòng họ lại hết sức hoan lạc không chừng? Ta việc gì phải lắm chuyện?". Chàng nhẹ nhàng cầm tay áo Vương Ngữ Yên ra hiệu.
Mọi người lặng lẽ lui ra. Chỉ thấy Mộ Dung Phục ngồi chễm chệ quay mặt về hướng nam, miệng vẫn lảm nhảm không thôi.
Hết.
Chú thích:
Bắt đầu dịch 4/2001 Dịch xong 4/2003
1 Lang yên: phân chó sói khi đốt khói bốc lên cao, ngày xưa dùng để làm tín hiệu báo động
2 một giống Hung Nô
3 Phong hỏa nhiên bất tức, Chinh chiến vô dĩ thời.
Dã chiến cách đấu tử, Bại mã hiệu minh hướng thiên bi. Điểu diên trác nhân trường, Xung phi thượng quải khô chi thụ.
Sĩ tốt đồ thảo mãng, Tướng quân không nhĩ vi.
Nãi tri binh giả thị hung khí, Thánh nhân bất đắc dĩ nhi dụng chi.
4 Vong ngã Kỳ Liên sơn, Sử ngã lục súc bất phiên tức.
Vong ngã Yên Chi sơn, Sử ngã phụ nữ vô nhan sắc.