Thiên Long bát bộ
Hồi 87: Niệm Uổng Cầu Mỹ Quyến - Lương Duyên An Tại (2)
Hồi 87: Niệm Uổng Cầu Mỹ Quyến - Lương Duyên An Tại (2)
Mong sao thành được lương duyên, Kết thân hai nước giữ yên cõi bờ.
Tưởng đâu phận gái cống Hồ, Thân trai giờ cũng trông nhờ đục trong.
***
Triết La Tinh nói:
-Sư đệ, ta trở về Thiên Trúc, hôm nay chia tay rồi cách xa nghìn trùng, không biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Ngươi quyết ý không về cố hương, định ở cho tới chết già ở Trung Thổ hay sao?
Y dường như muốn cho các nhà sư Thiếu Lâm khỏi hồ nghi nên dùng tiếng Hoa nói chuyện với sư đệ. Ba La Tinh mỉm cười:
-Sư huynh sao vẫn còn chưa tham ngộ? Thiên Trúc cũng là Trung Thổ, Trung Thổ cũng là Thiên Trúc, chính là ý của Đạt Ma sư tổ khi đông lai.
Triết La Tinh hơi thảng thốt nói:
-Một lời của sư đệ đã khiến ta thức tỉnh. Ngươi không còn là sư đệ mà là sư phụ ta rồi.
Ba La Tinh cười đáp:
-Nhập môn có người trước kẻ sau, ngộ đạo có kẻ sớm người muộn. Sớm cũng tốt mà muộn cũng tốt, được tham ngộ lại càng tốt hơn.
Hai người nhìn nhau cười xòa. Tiêu Phong náu mình ở một bên, đợi cho Thần Sơn, Đạo Thanh, Triết La Tinh tất cả hạ sơn rồi, ông mới mon men đi phía sau. Mới được mấy bước thì có một người trong chùa đi ra, chính là Hư Trúc. Y trông thấy Tiêu Phong mừng rỡ vô cùng tiến đến gần nói:
-Tiểu đệ đang đi khắp nơi tìm đại ca, nghe nói tam đệ bị thương nặng, không hiểu thương thế ra sao?
Tiêu Phong đáp:
-Ta cứu y hạ sơn, để nằm trong một gia trang.
Hư Trúc hỏi:
-Thế thì mình cùng đi thăm y có được chăng?
Tiêu Phong đáp:
-Thế thì hay lắm, hay lắm.
Hai người sóng vai cùng đi, được mươi trượng thì bốn nàng Mai Lan Cúc Trúc ở trong rừng chạy ra, đi phía sau Hư Trúc. Hư Trúc cho Tiêu Phong hay chư nữ cung Linh Thứu cùng quần hào bảy mươi hai đảo, ba mươi sáu động đã xuống núi cả rồi, mười tám võ sĩ Khất Đan cũng đi cùng, xem chừng quần hào Trung Nguyên không dễ gì dám gây sự. Tiêu Phong lập tức tạ ơn, nghĩ thầm: "Vị nghĩa đệ của ta đây quả là kỳ lạ, do tam đệ thay ta kết bái kim lan chi giao, ngờ đâu đến khi hoạn nạn lại giúp sức thật nhiều".
Hư Trúc cũng cho hay đã bắt Đinh Xuân Thu giao cho Giới Luật Viện chùa Thiếu Lâm giám quản, mỗi năm hai tiết Đoan Ngọ và tiết Trùng Dương, các nhà sư chùa Thiếu Lâm sẽ cho y uống thuốc của cung Linh Thứu để cho y khỏi bị Sinh Tử Phù phát tác. Cái mạng y ở trong tay người khác rồi, xem chừng không còn dám làm điều sai quấy nữa. Tiêu Phong vỗ tay cười ha hả nói:
-Nhị đệ đã trừ được một đại hại cho võ lâm. Gã Đinh Xuân Thu kia được Phật pháp điểm hóa, mai sau những điều xấu xa tàn ác bớt dần, không biết sẽ đi về đâu.
Hư Trúc vẫn rầu rĩ không vui nói:
-Tiểu đệ nguyện xuất gia nơi chùa Thiếu Lâm nhưng sư phụ sư tổ lại đuổi ra ngoài, còn gã Đinh Xuân Thu thương thiên hại lý, làm không biết bao nhiêu điều ác độc thì lại được ở chùa Thiếu Lâm thanh tu, sao cái nghiệp báo sướng khổ hai người lại chẳng giống nhau?
Tiêu Phong mỉm cười nói:
-Nhị đệ, ngươi mong được như Đinh lão quái nhưng Đinh lão quái còn mong gấp trăm gấp nghìn lần để được như ngươi. Ngươi thân là chủ nhân cung Linh Thứu, thống suất ba mươi sáu động chủ, bảy mươi hai đảo chủ, uy chấn thiên ha, sao lại bảo là không hay?
Hư Trúc lắc đầu:
-Trong cung Linh Thứu toàn là đàn bà con gái, tiểu đệ chỉ là một chú tiểu, ở chung với họ thật cực kỳ bất tiện.
Tiêu Phong cười ha hả nói:
-Ngươi vẫn còn là tiểu hòa thượng hay sao?
Hư Trúc lại tiếp:
-Cái bọn tâng bốc bợ đỡ phái Tinh Tú vẫn cứ luẩn quẩn bên tiểu đệ, không biết làm sao đuổi được chúng đi.
Tiêu Phong đáp:
-Những kẻ đó không phải bẩm tính trời sinh như thế, chỉ vì làm môn hạ lão quái mà ra, nếu không tâng bốc bợ đỡ thì khó lòng mà sống được. Nhị đệ, từ rày ngươi cố gắng quản giáo, nếu họ vẫn khăng khăng không chịu đổi thay, lúc đó hãy tống cổ đi cũng vừa.
Hư Trúc nghĩ đến cha mẹ mình trong một ngày đã tìm ra được nhưng lại rồi cùng chết cả, lại càng bi thương, nhịn không nổi lệ nhỏ ròng ròng. Tiêu Phong an ủi:
-Nhị đệ, những việc không vừa ý trên đời này rất nhiều. Năm xưa ta bị trục xuất khỏi Cái Bang, anh hùng hào kiệt khắp thiên hạ ai ai cũng muốn giết ta cho rảnh, trong lòng ta hết sức chua xót, sau một thời gian từ từ rồi cũng nguôi ngoai.
Hư Trúc chợt nói:
-Đúng thế! Đúng thế! Năm xưa đức Như Lai thuyết pháp trong thành Vương Xá nơi núi Linh Thứu, như vậy hai chữ Linh Thứu cũng có liên quan đến Phật pháp. Rồi cũng có ngày tiểu đệ sẽ đổi cung Linh Thứu thành chùa Linh Thứu, dạy cho các bà bà, tẩu tẩu, cô nương thành ni cô hết thảy.
Tiêu Phong ngửa mặt cười sằng sặc nói:
-Trong chùa hòa thượng lại đầy ni cô, quả là chưa hề nghe nói đến.
Hai người vừa đi vừa nói, đến nhà Kiều Tam Hòe vùa đúng lúc Du Thản Chi đang định móc mắt Chung Linh nên may mà ngăn lại kịp. Đoàn Dự hỏi:
-Đại ca, nhị ca có thấy gia gia của đệ không?
Tiêu Phong đáp:
-Về sau thì không gặp lại nữa.
Hư Trúc nói:
-Trong khi hỗn loạn quần hùng tứ tán khắp nơi, tiểu huynh không kịp đến bái kiến lão bá, quả thực thất lễ.
Đoàn Dự đáp:
-Nhị ca chẳng phải khách sáo. Gã Đoàn Diên Khánh kia là đại đối đầu của gia đình tiểu đệ, chỉ sợ y sẽ làm khó cho gia gia của đệ thôi.
Tiêu Phong nói:
-Việc đó không thể không lo, thôi để ta đi tìm lão bá có gì tiếp ứng.
A Tử chen vào:
-Sao tỉ phu cứ luôn mồm lão bá, tiểu bá, chẳng gọi một tiếng "nhạc phụ đại nhân"?
Tiêu Phong thở dài:
-Đây chính là mối hận một đời của ta đó, còn có gì để nói đâu?
Nói xong ông đứng lên định ra khỏi phòng. Khi đó Mai Kiếm vừa bưng một bát cháo gà vào phòng định đút cho Đoàn Dự ăn, nghe mọi người nói thế bèn nói:
-Tiêu đại hiệp không phải nhọc công đi tìm nữa, để tì tử truyền hiệu lệnh của chủ nhân, sai thuộc hạ cung Linh Thứu truy tầm bốn phía, nếu thấy Đoàn Diên Khánh có ý hành hung thì lập tức bắn pháo bông làm hiệu, mình sẽ chạy tới cứu viện, liệu có được không?
Tiêu Phong mừng rỡ đáp:
-Hay lắm! Cung Linh Thứu thuộc hạ cả hơn nghìn người, chia nhau ra lo liệu so với chúng ta chỉ có vài người thì hẳn hơn nhiều.
Thế rồi Mai Kiếm lập tức ra lệnh. Các bộ của cung Linh Thứu liên lạc với nhau cực kỳ mau chóng, Hư Trúc vừa đến nhà của Kiều Tam Hòe thì chư nữ thuộc Huyền Thiên Bộ do Phù Mẫn Nghi tất lãnh đã biết rồi, liền chạy đến gần đó, ngầm bảo vệ.
Đoàn Dự vì thế cũng đỡ lo, lại nhớ đến Vương Ngữ Yên nghĩ thầm: "Trong lòng nàng hận ta biết chừng nào, chỉ e sau này gặp lại không thèm nhìn mặt mình nữa". Nghĩ đến đây tự nhiên thở dài một tiếng.
Chung Linh hết sức quan hoài liền hỏi:
-Dự ca vết thương lại đau ư?
Đoàn Dự đáp:
-Cũng không đau lắm.
A Tử nói:
-Chung cô nương, tuy cô thích tiểu ca ca ta thật nhưng đâu có biết được tâm sự của y. Ta xem tấm lòng tương tư của cô rồi cũng chẳng đến đâu hết.
Chung Linh nói:
-Ta đâu có thèm nói chuyện với ngươi, sao lại xía vào làm gì?
A Tử cười đáp:
-Ta chẳng thèm xía vào, cũng chẳng có liên can chi hết. Chỉ e rằng có người xinh đẹp gấp mười ngươi, dịu dàng gấp mười ngươi, hấp dẫn gấp mười ngươi xen vô, lúc đó anh hai ta chẳng còn nhớ gì đến ngươi nữa. Ca ca ta vì cớ gì thở dài, ngươi không biết hay sao? Thở dài là bởi trong lòng có chỗ chưa vừa ý. Ngươi được săn sóc ca ca ta, trong lòng vui sướng lắm rồi nên mới không thở dài. Còn anh hai ta thở lên thở xuống, cũng bởi vì nghĩ đến người khác.
A Tử không còn cách gì móc mắt Chung Linh được nên lấy lời châm chọc, miễn sao cho nàng đau lòng mới hả dạ. Chung Linh nghe nói thế, hết sức tức tối, nhưng nghĩ lại lời cô ta quả không sai, bao nhiêu bực bội biến thành buồn phiền. Cũng may tuổi nàng còn nhỏ, vốn dĩ ngây thơ hoạt bát, tuy đối với Đoàn Dự có mối thâm tình nhưng cũng chưa đến nỗi khắc ghi trong xương tủy, chỉ sao được ở cùng một chỗ với tình lang là đã thoải mái lắm rồi, trong lòng Đoàn Dự nghĩ đến người khác, không nhớ đến mình, tuy đau lòng thật nhưng ngoài chuyện đó ra cũng không đến nỗi nào.
Đoàn Dự vội nói:
-Chung... Chung... Linh muội muội, cô đừng có nghe A Tử nhắm mắt đoán mò.
Chung Linh nghe Đoàn Dự gọi mình là muội muội chứ không còn là Chung cô nương, đủ biết thân mật chừng nào, mặt mày tươi như hoa bèn nói:
-Cô ta thích châm chọc người khác, em cũng chẳng thèm để ý.
A Tử nổi giận đùng đùng, từ khi mắt nàng mù đến nay, ghét nhất ai nhắc đến chữ "mắt", chữ "mò", thà rằng Đoàn Dự bảo nàng nói nhăng, nói ẩu thì nàng chỉ cười ruồi, nào ngờ lại dùng mấy chữ "nhắm mắt đoán mò", bèn hỏi:
-Nè anh hai, quả thực ca ca thích Vương cô nương hơn hay thích Chung cô nương hơn? Vương cô nương đã ước hẹn với tiểu muội, để khi gặp lại anh sẽ chính miệng nói ra hay để em phải nói?
Đoàn Dự nghe nói thế, lập tức nhỏm dậy hỏi dồn:
-Cô có ước hẹn gặp lại Vương cô nương sao? Ở nơi nào? Bao giờ? Có chuyện gì phải nói?
Chỉ cần xem bộ dạng anh chàng bồn chồn như thế, chẳng cần nói thêm, Chung Linh đã hiểu ngay trong bụng Đoàn Dự thế nào, Vương cô nương kia quả hơn mình không biết bao nhiêu lần. Nàng xưa nay bụng dạ rộng rãi, trước kia tuy có lúc tha thiết thật nhưng đến lúc này cũng đã nhạt nhòa. Nếu như Vương Ngữ Yên ở vào địa vị nàng, thấy ý trung nhân yêu thương người khác, ắt sẽ đau lòng muốn chết quách cho xong, Mộc Uyển Thanh thì sẽ bắn ngay cho Đoàn Dự một mũi tên, A Tử thì sẽ tìm cách giết chết đối thủ. Chung Linh chỉ nói:
-Đừng cử động, cẩn thận không vết thương lại vỡ ra, chảy máu nữa.
Hư Trúc ở bên cạnh nghe ba người nói, nghĩ thầm: "Chung cô nương đối với tam đệ tình ý thân mật thế, chắc không phải là Mộng Cô của mình. Nếu không khi cô ta nghe giọng của mình, sao chẳng có gì khác lạ cả?". Chợt y nghĩ lại bèn kêu thầm: "Chết rồi! Không phải! Đồng Mỗ sư bá, Lý Thu Thủy sư thúc, cho chí Dư bà, Thạch tẩu, Phù cô nương... tất cả đàn bà con gái, người nào người nấy bụng dạ khôn lường, khác xa với đám đàn ông con trai. Không chừng Chung cô nương quả là Mộng Cô, đã sớm nhận ra ta rồi nhưng chỉ chôn sâu trong dạ".
Còn Đoàn Dự thì vẫn cứ hỏi tới xem A Tử ước hẹn với Vương Ngữ Yên gặp nhau ở đâu. A Tử thấy anh chàng nôn nao như thế, tính toán trong bụng xem làm sao đùa rỡn anh ta một phen, có khi được lợi không chừng, thành thử cứ thuận mồm đưa đẩy.
Lan Kiếm quay trở vào báo, cho hay Huyền Thiên Bộ đã truyền lệnh ra rồi xin Đoàn Dự cứ yên tâm. Đoàn Dự nói:
-Đa tạ tỉ tỉ nhọc lòng, tại hạ cảm kích không đâu cho hết.
Lan Kiếm thấy chàng ở ngôi vị vương tử nước Đại Lý tôn quí như thế nhưng lời ăn tiếng nói, hành động cử chỉ không ra vẻ gì ta đây, tự nhiên sinh lòng mến mộ, lại nghe Đoàn Dự hỏi dò A Tử về việc ước hẹn, nhịn không nổi xen vào:
-Đoàn công tử, cô em công tử nói đùa chơi với ông đấy thôi, chớ có coi là thật.
Đoàn Dự hỏi:
-Sao tỉ tỉ lại biết xá muội nói đùa?
Lan Kiếm cười đáp:
-Nếu tiểu tì nói ra e rằng Đoàn cô nương sẽ bảo là tiểu tì lắm lời, cũng không biết chủ nhân có cho phép hay chăng?
Đoàn Dự vội quay sang Hư Trúc:
-Nhị ca cho cô ta nói đi.
Hư Trúc gật đầu nói với Lan Kiếm:
-Tam đệ và ta đâu còn phân biệt ai với ai, các cô chớ có dấu diếm điều gì.
Lan Kiếm nói:
-Mới đây chúng tôi thấy cả bọn Mộ Dung công tử cùng nhau xuống núi Thiếu Thất, nghe họ bàn nhau đi qua Tây Hạ, Vương cô nương cũng đi theo biểu ca, khi đó cũng đã cách xa đến vài chục dặm làm sao ngày mai còn gặp Đoàn cô nương được nữa?
A Tử gắt lên:
-Đồ nha đầu thối tha, đã biết ta sẽ bảo ngươi lắm chuyện sao còn nói ra? Bốn chị em ngươi toàn là lũ hay thèo lẻo, chủ nhân nói chuyện, chẳng biết qui củ là gì dám ghé vào nói leo.
Bỗng nhiên từ ngoài cửa sổ có tiếng con gái vọng vào:
-Đoàn cô nương sao dám la mắng tỉ tỉ bọn ta? Chìa khóa Thần Nông Các trên cung Linh Thứu do ta chưởng quản, cô nương có biết chăng? Chủ nhân muốn tìm phương cách chữa mắt cho cô nương, không thể không đến Thần Nông Các lục tìm sách vở để chế tác thuốc men.
Người nói đó chính là Trúc Kiếm. A Tử chột dạ nghĩ thầm: "Con xú a đầu này xem chừng nói thật, trước khi thằng cha sư chết toi Hư Trúc chữa mắt cho ta, mình không nên đắc tội với mấy đứa đầy tớ của hắn, khiến chúng giở quẻ ngầm thay mấy món thuốc thì mắt mình hết đường chữa. Hừ hừ, để khi mắt ta trị xong rồi sẽ cho chúng bay biết tay A Tử". Cô nàng bèn ngồi yên không nói gì nữa.
Đoàn Dự nói với Lan Kiếm:
-Đa tạ tỉ tỉ đã cho hay. Bọn họ đi Tây Hạ ư? Không biết để làm gì thế?
Lan Kiếm đáp:
-Tiểu tì cũng không nghe họ nói gì về việc này.
Hư Trúc nói:
-Tam đệ, việc này thì ta biết. Ta nghe Công Dã tiên sinh nói với các trưởng lão Cái Bang là trên đường đi có gặp một đệ tử Cái Bang từ Tây Hạ trở về Trung Thổ, mang theo một trương bảng văn của quốc vương Tây Hạ, thông tri là công chúa nước này đã đến tuổi cập kê nên định vào ngày Trung Thu tháng tám năm nay kén rể. Nước Tây Hạ lập quốc bằng cánh cung vó ngựa nên mời anh hùng hào kiệt thiên hạ đến biểu diễn võ công để quốc vương có dịp tuyển được một phò mã tài mạo song toàn.
Mai Kiếm nhịn không nổi lại chen vào:
-Sao chủ nhân không đến Tây Hạ thử một phen? Chỉ cần Tiêu đại hiệp và Đoàn công tử không tranh giành thì cái chức phò mã gia quả dễ như trở bàn tay.
Mai Lan Cúc Trúc bốn nàng tính tình vốn dĩ lí lắt, Đồng Mỗ vẫn coi các cô chẳng khác gì con cái trong nhà, tuy danh nghĩa là chủ tớ nhưng tình nghĩa thì chẳng khác gì bà với cháu. Có điều Đồng Mỗ tính tình nghiêm nghị, mỗi khi gặp chuyện chẳng vừa lòng liền trừng phạt ra oai ngay thành thử bốn chị em lúc nào cũng nơm nớp không dám phóng túng. Còn Hư Trúc tính tình lại thật hiền hòa, bình thời ở gần họ chẳng có chút gì ra vẻ chủ nhân tôn nghiêm, vừa giản dị lại vừa kính trọng bọn họ, thành thử các cô nghĩ sao nói vậy, chẳng còn e ngại gì nữa.
Hư Trúc liên tiếp xua tay nói:
-Không đi đâu! Không đi đâu! Ta là người xuất gia...
Y thuận mồm nói ra là kẻ tu hành nhưng chưa dứt câu mặt đã đỏ ửng, đưa mắt nhìn trộm Chung Linh một cái, thấy nàng đang ngẩn ngơ nhìn Đoàn Dự, dường như không để ý gì đến câu nói của mình. Bỗng dưng lòng y lại nghĩ: "Nếu mình đi qua Tây Hạ, ta... ta và Mộng Cô vốn gặp nhau ở hầm băng trong hoàng cung, Mộng Cô không chừng hiện cũng đang ở Linh Châu, tam đệ không nói cho ta hay nàng đang ở nơi nào, sao mình không qua Tây Hạ nghe ngóng xem sao?".
Y vừa tính như thế thì Đoàn Dự đã lên tiếng:
-Nhị ca, cung Linh Thứu và nước Tây Hạ rất gần nhau, cũng cùng đường về, sao mình không nhân tiện đi Tây Hạ một chuyến? Cái vị tỉ tỉ chẳng biết là gì Kiếm kia... ấy chết xin lỗi, bốn cô tướng mạo giống nhau quá, quả thực tại hạ không thể nào phân biệt... vị tỉ tỉ kia bảo nhị ca đi ứng tuyển phò mã, tuy nghe như nói đùa nhưng nghĩ ra ngày rằm tháng tám, hào kiệt bốn phương tụ tập ở Linh Châu, chắc là náo nhiệt lắm.
Đại ca cũng chẳng cần phải trở về Nam Kinh gấp, tất cả chúng mình cùng đi Tây Hạ du ngoạn, sau đó quay trở lại cung Linh Thứu thưởng thức rượu ngon trăm năm của Thiên Sơn Đồng Mỗ, thực là một dịp vui biết mấy. Hôm trước tiểu đệ ở Linh Thứu Cung cùng nhị ca hai người uống một trận sau khướt, quả là khoái hoạt.
Khi Tiêu Phong đi lên núi Thiếu Thất, mười tám tên võ sĩ Khất Đan đều mang theo liệt tửu thế nhưng lúc này các võ sĩ không có mặt nơi đây, ông đã lâu chưa uống rượu, nghe Đoàn Dự nhắc đến bách niên giai nhưỡng của Thiên Sơn Đồng Mỗ trên cung Linh Thứu không khỏi ứa nước dãi, góc miệng nhếch một nụ cười.
A Tử chen vào:
-Đi, đi thôi! Tỉ phu, thôi tất cả mình cùng đi nha.
Nàng biết rằng muốn chữa lành mắt mình thì phải theo Hư Trúc lên cung Linh Thứu nhưng nếu không có Tiêu Phong che chở cho mình thì Hư Trúc dù có muốn chữa cũng bị bốn cô ả thủ hạ mồm năm miệng mười làm khó, không khỏi đêm dài lắm mộng. Nàng nghe Tiêu Phong trầm ngâm không trả lời nghĩ thầm: "Tỉ phu bề ngoài thô hào nhưng trong lòng cực kỳ tinh tế, hẳn anh ta đã biết rõ dụng tâm của mình, chi bằng nói thẳng ra cầu xin thì mới dễ nhận lời". Nghĩ thế nàng bèn đứng lên, nắm vạt áo Tiêu Phong lắc lắc mấy cái năn nỉ:
-Tỉ phu, nếu anh không đưa em lên cung Linh Thứu, thì em... thì em mãi mãi không bao giờ còn được thấy ánh mặt trời.
Tiêu Phong nghĩ thầm: "Việc chữa sáng đôi mắt cho cô ta quả là một việc lớn". Rồi lại tính toán: "Ta ở Đại Liêu chức vị tuy cao thật nhưng chung quanh chẳng có bạn bè nào mà nói chuyện. Hào kiệt Trung Nguyên thì mình đắc tội đã nhiều, cũng may kết giao được với hai người huynh đệ khẳng khái hào hiệp, ở với nhau thêm vài hôm cũng là đại khoái sự. Vả lại mình đã kiếm được A Tử rồi, bây giờ dù có trở về Nam Kinh cũng không có việc gì làm, thật chán muốn chết". Ông bèn nói:
-Được, nhị đệ, tam đệ, tất cả chúng mình đi Tây Hạ một chuyến, sau đó sẽ lên Linh Thứu Cung, uống vài ngày cho đã đời rồi nhờ nhị đệ chữa mắt cho Đoàn cô nương.
Hôm sau tất cả cùng lên đường. Hư Trúc lại đến sơn môn chùa Thiếu Lâm khấu đầu vái lạy, lẩm nhẩm khấn tạ ân đức tổ sư và công lao của chư tăng dưỡng dục hơn hai mươi năm trời cùng vong linh phụ thân Huyền Từ và mẫu thân Diệp Nhị Nương.
Khi xuống chân núi thì chư nữ cung Linh Thứu đã chuẩn bị xe lừa để cho Đoàn Dự và Du Thản Chi nằm trong xe dưỡng thương. Du Thản Chi trong lòng tức tối lắm nhưng đành bấm bụng chịu đựng vì không đành chia tay với A Tử. Giá như A Tử thỉnh thoảng vén rèm xe lên, nói với y một hai câu thì cũng đủ khiến y lên tinh thần một hồi lâu, khổ nỗi A Tử lại cưỡi ngựa, khi trước khi sau nhưng lúc nào cũng ở bên cạnh Tiêu Phong. Du Thản Chi trong bụng khó chịu lắm nhưng đâu có dám tỏ vẻ không vui với A Tử.
Đi được hai ngày, quần nữ trong cung Linh Thứu dần dần tụ lại. Thủ lãnh Loan Thiên Bộ bẩm với Hư Trúc và Đoàn Dự rằng họ đã gặp Trấn Nam Vương, cho ông hay thương thế Đoàn Dự đã đỡ nhiều, không có gì phải lo lắng. Trấn Nam Vương yên tâm nhờ Loan Thiên Bộ nói với Đoàn Dự mau sớm trở về Đại Lý. Chư nữ Loan Thiên Bộ lại nói:
-Đoàn người của Trấn Nam Vương đi về hướng đông bắc, còn Đoàn Diên Khánh, Nam Hải Ngạc Thần và Vân Trung Hạc lại đi về hướng tây hai bên không thể nào chạm mặt được.
Đoàn Dự mừng lắm, cảm ơn chư nữ Loan Thiên Bộ. Chung Linh hỏi Đoàn Dự:
-Lệnh tôn muốn công tử trở về Đại Lý nhưng sao chính họ lại đi về phía đông bắc là sao?
Đoàn Dự mỉm cười, chưa kịp trả lời, A Tử đã cười nói:
-Gia gia chắc là bị mẹ em giữ rịt lấy rồi, không cho về Đại Lý nữa. Chung cô nương nếu như định giữ rịt trái tim ca ca ta thì phải học cách của má má ta.
Hai ngày qua, Đoàn Dự suy đi tính lại, mấy lần toan nói rõ cho Chung Linh hay nàng chính là em gái mình, nhưng thấy chuyện này nói ra quả là xấu mặt, đã làm Chung Linh đau lòng lại tổn hại đến thanh danh phụ thân nên nghĩ bụng tạm không nói ra là hơn.
Chung Linh cũng biết rõ Đoàn Dự sở dĩ muốn đến Tây Hạ chẳng qua cũng chỉ mong gặp lại cái cô nàng họ Vương kia, thế nhưng ngày ngày nàng được kề cận bên Đoàn Dự cũng thỏa tâm nguyện nên không cần nghĩ đến ngày sau khi Đoàn Dự và Vương cô nương gặp nhau thì sẽ ra sao, còn những lời chua ngoa khích bác của A Tử nàng chỉ bỏ ngoài tai.
Khi đó trời đang lúc viêm nhiệt, trưa đến nắng chang chang, cũng may còn lâu mới tới Trung Thu, đoàn người chỉ đi lúc sáng sớm và khi chiều tối, mỗi ngày chỉ được sáu bảy chục dặm còn thì phải nghỉ. Đi đường xa đâu phải chỉ một ngày, thương thế Đoàn Dự khỏi rất nhanh. Hư Trúc ghép xương gãy lại cho Du Thản Chi, dùng kẹp ép hai bên buộc chặt xem ra cũng có cơ hồi phục. Du Thản Chi không nói chuyện với ai, đến Hư Trúc chữa chân cho y mà chỉ lầm lầm lì lì đến tiếng "cảm ơn" cũng không mở miệng.
Hôm đó đoàn người đi đến đường cũ Hàm Dương, Đoàn Dự kể cho bọn Tiêu Phong nghe chuyện xưa kia Lưu Bang, Hạng Vũ tranh bá như thế nào. Tiêu Phong và Hư Trúc không từng đọc sách, nghe Đoàn Dự giơ roi thuật lại các anh hào đời trước cảm thấy cực kỳ hứng thú.
Đột nhiên có tiếng vó ngựa rầm rập, từ phía sau có hai người cưỡi ngựa vượt qua. Bọn Tiêu Phong giục ngựa tránh qua bên vệ đường nhường đường cho họ. Riêng A Tử còn đứng sừng sững giữa đường, đợi đến khi hai con ngựa kia chạy đến sau lưng mới vung roi quất một cái đánh vào đầu con ngựa vừa chạy đến.
Người cưỡi ngựa giơ roi lên cản roi A Tử lại, miệng kêu lên:
-Đoàn công tử, Tiêu đại hiệp!
Đoàn Dự quay lại nhìn, hóa ra là Ba Thiên Thạch, người phía sau là Chu Đan Thần. Ba Thiên Thạch giơ roi hất mã tiên của A Tử ra rồi cùng Chu Đan Thần nhảy xuống, quay về phía Đoàn Dự lạy phục xuống. Đoàn Dự cũng vội vàng xuống ngựa hoàn lễ hỏi:
-Cha ta bình an chứ?
Chỉ nghe vút một tiếng, A Tử lại vung roi đánh xuống đầu Ba Thiên Thạch. Ba Thiên Thạch chưa kịp đứng lên,thân hình nghiêng qua, một bên vẫn còn quì dưới đất. A Tử đánh không trúng, Ba Thiên Thạch đầu gối ấn xuống, chặn đầu roi lại. A Tử cố sức giựt ra nhưng không sao nhúc nhích. Nàng biết rằng nội lực mình không thể nào bì kịp đối phương, lập tức vung tay lên ném chiếc cán roi vào đầu Ba Thiên Thạch.
Ba Thiên Thạch ghét cô ta chọc cho Chử Vạn Lý tức quá mà chết, vốn đã có bụng trừng trị một mẻ, ngờ đâu mắt nàng tuy mù rồi nhưng hành động cực kỳ cơ biến, cán roi đến thật nhanh, Ba Thiên Thạch vừa nghe hơi gió, vội nghiêng đầu tránh qua, tuy không trúng mặt nhưng cạch một tiếng, cán roi cũng trúng ngay vai.
Đoàn Dự quát lớn:
-Tử muội, không được phá rối.
A Tử đáp:
-Tiểu muội có phá rối gì đâu? Y muốn lấy roi của ta thì ta cho y đấy chứ.
Ba Thiên Thạch cười hì hì nói:
-Đa tạ cô nương ban cho cây roi.
Y đứng lên lấy trong túi ra một phong thư, hai tay trình cho Đoàn Dự. Đoàn Dự cầm lấy nhìn qua thấy trên đề ba chữ: "Dự nhi lãm", chính là thủ bút của phụ thân vội vàng hai tay nâng lên, sửa lại áo quần, cung kính mở ra, thấy trong đó Trấn Nam Vương bảo chàng đi qua Tây Hạ, nếu có cơ duyên thì tìm cách lấy công chúa nước này làm vợ. Trong thư viết:
Nước Đại Lý ta lánh riêng một cõi Nam cương, quốc tiểu binh nhược, khó lòng mà kháng cự ngoại địch, nếu như kết làm xuôi gia với Tây Hạ thì được thêm một cường viện, là thượng sách giữ đất an dân. Con phải coi cơ nghiệp tổ tông là quí, lấy xã tắc bách tính làm trọng mà ra sức làm cho xong.
Đoàn Dự đọc hết lá thư rồi, mặt lúc thì đỏ, lúc thì trắng, bẽn lẽn nói:
-Cái đó... cái đó...
Ba Thiên Thạch lại lấy ra một phong thư lớn, trên bao thư đóng dấu đỏ chót: Đại Lý Quốc Hoàng Thái Đệ Trấn Nam Vương Bảo Quốc Đại Tướng Quân, nói:
-Đây là biểu cầu thân do chính tay vương gia viết, sau khi đến Linh Châu xin công tử trình lên hoàng đế Tây Hạ.
Chu Đan Thần cũng cười mủm mỉm nói:
-Xin chúc công tử mã đáo thành công, cưới một cô công chúa như hoa tựa ngọc về Đại Lý để cho giang sơn nước nhà được vững như bàn thạch.
Đoàn Dự ngượng ngùng hỏi lại:
-Sao gia gia lại biết là ta đi sang Tây Hạ?
Ba Thiên Thạch đáp:
-Vương gia được tin Mộ Dung công tử đi sang Tây Hạ cầu thân, liệu rằng công tử... cũng... cũng đi qua để xem trò náo nhiệt. Vương gia dặn rằng, công tử phải xem chuyện quốc gia đại sự làm trọng, lấy tư tình nhi nữ làm khinh.
A Tử cười khúc khích nói:
-Thiệt đúng là biết con không ai bằng cha. Gia gia nghe tin Mộ Dung Phục qua Tây Hạ, chắc là Vương cô nương cũng đi cùng, đứa con trai cưng của ổng hẳn là lót tót đằng sau. Hứ, kèo vênh thì cột cũng lệch, chính ông ta cũng có lấy quốc gia đại sự làm trọng, tư tình nhi nữ làm khinh đâu? Cớ sao ông ấy cũng đi mất đất, bao lâu nay không về Đại Lý?
Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần, Đoàn Dự nghe thấy A Tử mở lời bất kính với cha ruột của mình như thế, ai nấy mặt mày biến sắc. Những điều cô ta nói tuy là chuyện thực nhưng đời ai phận con gái lại mở miệng nói điều không phải của cha ra?
A Tử lại tiếp:
-Ca ca, trong thư gia gia còn viết gì nữa? Có nhắc gì đến em không?
Đoàn Dự đáp:
-Gia gia đâu có biết cô cũng ở chung với ta.
A Tử đáp:
-Xí, vậy đó, ông ấy không biết. Thế gia gia có dặn ca ca đi tìm em không? Có dặn dò anh tìm cách lo liệu cho đứa em gái đui mù không?
Trong thư Đoàn Chính Thuần đâu có đề cập những chuyện đó nhưng Đoàn Dự nghĩ như nếu mình nói thẳng ra không khỏi đau lòng cô em, bèn quay sang đưa mắt cho Ba Chu hai người để họ thừa nhận phụ vương có ra lệnh cho mình đi tìm A Tử. Ngờ đâu Ba Chu hai người làm như không hiểu nên không hùa theo. Chu Đan Thần nói:
-Trấn Nam Vương bảo hai chúng tôi đi theo phục thị công tử, để công tử gia sai bảo cốt làm sao lấy được công chúa nước Tây Hạ. Nếu không khi trở về Đại Lý, dẫu vương gia không trách tội thì chúng tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào mà trông thấy ai.
Lời nói đó ám chỉ Đoàn Chính Thuần sai hai người đi theo giám thị Đoàn Dự, không thể không đi Tây Hạ ứng tuyển phò mã. Đoàn Dự gượng cười nói:
-Ta vốn không biết võ công, lại thêm trọng thương mới khỏi, chân khí không đề lên được, làm sao sánh được với anh hùng hảo hán trong thiên hạ.
Ba Thiên Thạch quay sang khom mình thi lễ với Tiêu Phong, Hư Trúc nói:
-Trấn Nam Vương sai tiểu nhân bái kiến Tiêu đại hiệp, Hư Trúc tiên sinh xin hai vị niệm tình kết nghĩa kim lan, giúp cho công tử chúng tôi một tay. Trấn Nam Vương cũng nói: "Trên núi Thiếu Thất lật đật vội vã nên không kịp gần gũi thăm hỏi hai vị, thật là thiếu sót" nên đặc biệt sai tiểu nhân dâng lên chút lễ bạc.
Nói xong lấy ra một con sư tử chạm bằng bích ngọc hai tay đưa cho Tiêu Phong. Chu Đan Thần cũng lấy ra một chiếc quạt xếp làm bằng ngà voi, trên có thư pháp của Đoàn Chính Thuần, trình lên Hư Trúc.
Hai người cảm ơn nhận lấy cùng nói:
-Việc của tam đệ, chúng tôi dĩ nhiên hết sức tương trợ, chẳng cần Đoàn bá phụ phải dặn dò! Được ban cho vật quí thế này, thật quả không dám.
A Tử nói:
-Bộ mấy người tưởng gia gia tốt bụng đó hả? Đó là biểu hai người đừng có giành chức phò mã của anh hai đó. Gia gia sợ cục cưng không đánh lại hai người, hai người nhận lời ấy là mắc vô cái rọ của gia gia.
Tiêu Phong thở hắt ra một hơi nói:
-Từ khi chị ngươi chết đi, ta nào có nghĩ đến chuyện lấy ai được nữa?
A Tử đáp:
-Ngoài miệng thì anh nói vậy nhưng biết anh bụng dạ thế nào? Hư Trúc tiên sinh, ông trung hậu thực thà, không phải như anh hai tôi phong lưu hiếu sắc, đáo xứ lưu tình, trước nay ông chưa hề có tình ý với cô nương nào, qua lấy công chúa Tây Hạ đi chẳng phải hay lắm sao?
Hư Trúc mặt đỏ bừng, liên tiếp xua tay:
-Không! Không! Ta... ta quyết không đâu, ta và đại ca giúp cho tam đệ hoàn thành việc cầu thân.
Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần hai người nhìn nhau, quay sang bái tạ Tiêu Phong và Hư Trúc nói:
-Đa tạ hai vị đáp lời.
Trong võ lâm khi một lời đã nói ra thì ngựa tứ cũng không đuổi kịp, Tiêu Phong và Hư Trúc cùng nhận tương trợ rồi thì dẫu có chuyện gì, Ba Chu hai người cũng không sợ họ nuốt lời đứng ta tranh giành với Đoàn Dự.
Đoàn người đi về hướng tây càng lúc càng gần thành Linh Châu, trên đường người trong võ lâm càng lúc càng gặp thêm nhiều. Tây Hạ tuy cương thổ so với Đại Liêu, Đại Tống có nhỏ hơn thật nhưng cũng là một nước lớn ở biên thùy, khi đó quốc vương nước này đã xưng đế, đương kim hoàng đế là Lý Càn Thuận, sử gọi là Sùng Tông Thánh Văn Đế niên hiệu Thiên Hựu An Dân, thời đó quốc thái dân an, triều chính thanh bình.
Người trong võ lâm nếu như lấy được công chúa Tây Hạ, vinh hoa phú quí thật dễ dàng, trên đời còn gì hơn được nữa? Có điều trong võ lâm nhân vật thành danh phần lớn đã lấy vợ sinh con, còn những thanh niên mới lớn thì võ công lại chẳng cao nên không hiếm lão niên anh hùng dẫn dắt con cháu đệ tử, đi thử vận may xem sao. Cũng vô số cướp sông cướp biển, hào khách bang hội, một thân một mình tuy chẳng một mảy hi vọng gì cũng nườm nượp hướng về phía thành Linh Châu. Không hiếm người nhủ thầm: "Nhân duyên một sợi xích thằng, Trời già đã buộc ai giằng cho ra. Biết đâu chừng mình có số lấy được công chúa Tây Hạ, chó ngáp phải ruồi, võ công không thắng được người khác nhưng hai người có duyên, gặp ta vừa mắt thế là có hi vọng làm phò mã gia".
Trên đường đi vô số anh hào trẻ tuổi, ai nấy áo quần tươm tất, đến binh khí dụng cụ cũng đều sang trọng, tưởng như đi thi võ không bằng. Người đời vẫn nói: Nghèo học văn, giàu học võ, con nhà võ phần lớn nhà cửa khá giả, những kẻ phẩm hạnh không đoan chính thì tiền bạc lại càng dễ dàng, thành thử đi qua Tây Hạ mười người đến chín y phục hoa lệ, mong được lọt vào mắt xanh của công chúa. Những người quen biết, gặp nhau chọc ghẹo xong, không thể không dò hỏi xem dung mạo công chúa thế nào, võ nghệ cao hay thấp. Còn người không quen thì trừng mắt hầm hầm nhìn nhau, coi người kia như kẻ thù.
Hôm đó bọn Tiêu Phong đang đi trên đường bỗng nghe tiếng vó ngựa lộp cộp, một con ngựa từ trước mặt chạy đến, người trên lưng ngựa cánh tay phải treo bằng một mảnh vải trắng vòng lên cổ, quần áo tả tơi, trông thật thảm hại. Bọn Tiêu Phong không để tâm nghĩ bụng người này nếu không phải là té ngã thì cũng bị ai đó đả thương, chuyện đó cũng là bình thường. Ngờ đâu thêm một hồi nữa, lại có thêm ba người cưỡi ngựa chạy tới, người nào cũng bị trọng thương, không gãy tay thì cũng què chân. Ba người đó mặt mày bơ phờ, cực kỳ ngượng ngập, cúi gầm xuống chạy ngang, không dám ngẩng lên nhìn bọn Tiêu Phong. Mai Kiếm hỏi:
-Trước mặt có đánh nhau chăng? Sao có nhiều người bị thương thế?
Nói chưa dứt câu, lại có hai người nữa chạy đến. Hai người này không cưỡi ngựa, mặt mày đầy máu me, một người đầu bịt khăn xanh máu vẫn còn rỉ ra không ngớt. Trúc Kiếm nói:
-Này, ngươi có cần thuốc trị thương không? Sao lại bị thương thế?
Người kia hầm hầm nhìn cô gái, nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất, lầm lũi đi thẳng. Cúc Kiếm giận quá, rút phắt trường kiếm, định xông vào chém y. Hư Trúc lắc đầu nói:
-Thôi bỏ qua đi! Người này bị thương nặng lắm rồi, đừng chấp làm gì.
Lan Kiếm nói:
-Trúc muội hỏi y có cần thuốc trị thương không, người này vô lễ như thế, để cho y chết vì đau cho đáng kiếp.
Vừa lúc đó từ đằng trước bốn con ngựa vùn vụt chạy tới, phía trái hai người, phía phải hai người. Người trên lưng ngựa to mồm chửi bới, một người nói:
-Cũng chỉ vì ngươi cóc tía mà đòi ăn thịt thiên nga, không biết lượng sức mình được bao lăm mà đòi đi Linh Châu làm phò mã.
Lại một người khác chửi lại:
-Ngươi có bản lãnh sao không qua được cửa ải đó đi? Đánh thua rồi quay qua vặc với ta là sao?
Người bên kia đáp lời:
-Nếu không phải vì ngươi ở phía sau ám tiễn thương nhân, ta thua làm sao được?
Bốn người đó phóng ngựa chạy nhanh, không hiểu cãi nhau chuyện gì, chỉ chốc lát đã đến trước mặt. Bọn họ thấy bọn Tiêu Phong đông, không dám giành đường nên lách ngựa qua hai bên lề nhưng vẫn tiếp tục chỉ trỏ sỉ mắng nhau, nghe loáng thoáng thì cả bốn người đều tính chuyện đi Linh Châu mong làm phò mã, nhưng gặp cái cửa ải nào đó, cả bốn đều không qua nổi, người nọ đùn người kia để đến nỗi bị đánh tả tơi chạy về.
Đoàn Dự nói:
-Đại ca, tiểu đệ xem...
Nói chưa dứt câu, đằng trước lại có mấy người chạy bộ đến, người nào cũng bị thương, người thì vỡ đầu chảy máu, kẻ thì khập khiễng què chân. Chung Linh tính hiếu kỳ nhịn không nổi giục ngựa chạy lên hỏi:
-Này, kẻ giữ ải phía trước lợi hại lắm hay sao?
Một hán tử trung niên đáp:
-Hừ, ngươi là con gái có qua cũng không ai ngăn trở. Thế nhưng đàn ông thì nên quay về là hơn.
Y nói như thế khiến Tiêu Phong, Hư Trúc cả bọn đều ngạc nhiên cùng nói:
-Đi lên xem thế nào!
Rồi giục ngựa chạy tới. Cả đoàn đi thêm chừng bảy tám dặm thấy sơn đạo hiểm trở, chỉ còn một con đường bên cạnh là vực sâu ngoằn ngoèo chạy lên trên, vòng qua mấy khúc quanh đã thấy người đứng lố nhố. Bọn Tiêu Phong đến gần, thấy trên đường đứng kế nhau là hai đại hán, người nào cũng cao hơn sáu thước, to lớn dị thường, một người cầm thiết chử, một người hai tay cầm đôi đồng chùy, giận dữ nhìn đoàn người đang tiến đến.
Trước mặt hai người đó là khoảng mười bảy mười tám người, bàn tán xôn xao, mỗi người một câu. Có kẻ dùng lời cung kính lễ độ:
-Xin tránh ra một chút! Bọn ta đang định đi Linh Châu, xin hai vị nhường đường cho.
Lại có người khích động lòng tham:
-Hai vị định thu tiền mãi lộ chăng? Không hiểu một lượng một người, hay là hai lượng một người? Miễn là hai vị tránh ra, chuyện gì cũng có thể thương lượng được.
Lại có người lấy lời mà uy hiếp:
-Các ngươi nếu không tránh ra, để lão tử nổi cọc lên băm vằm chúng bay ra, lúc đó có muốn trở lại như cũ thì cũng không được nữa, chi bằng ngoan ngoãn tránh ra để khỏi đại họa lâm đầu.
Lại có kẻ lấy sắc ra dụ:
-Hai vị tướng mạo đường đường, uy phong lẫm lẫm, sao không đến Linh Châu ứng tuyển phò mã? Nếu như để nàng công chúa đẹp như hoa kia vào tay người khác, chẳng tiếc lắm sao?
Bọn người mồm năm miệng mười nhưng hai gã nọ thủy chung không lý gì tới. Đột nhiên trong đám người có kẻ quát lên:
-Tránh ra!
Hàn quang lấp loáng, một lưỡi kiếm đã nhắm ngay người bên trái đâm tới. Đại hán đó thân hình cực lớn, binh khí cũng cực kỳ nặng nề, ngờ đâu hành động lại thật nhanh nhẹn, song chùy gõ vào nhau, chính là định kẹp trường kiếm vào giữa. Hai thanh đồng chùy hình bát giác kia mỗi thanh phải nặng đến bốn chục cân, nghe keng một tiếng, trường kiếm gẫy thành mươi mảnh. Đại hán đó nhảy qua một bước, đá luôn vào bụng dưới người nọ. Người kia chỉ kêu lên một tiếng, văng ra đến bảy tám trượng, ngã dúi xuống không đứng dậy nổi.
Lại thấy một người xông lên hai tay múa song đao thành một luồng bạch quang, bảo vệ toàn thân. Khi vừa đến trước hai đại hán, người kia quát lên một tiếng, đột nhiên biến thành địa đường đao pháp, lăn xuống dưới đất tiến tới, song đao nhắm ngay chân hai đại hán mà chém. Đại hán cầm thiết chử xem thế đánh của người kia, giơ chiếc chày lên, đánh mạnh xuống vòng ánh sáng một cái. Chỉ nghe "A" một tiếng thảm khốc, song đao của người kia bị chày sắt đánh gãy, mũi đao cắm luôn vào ngực, lăn long lóc xuống dưới vực.
Hai dại hán liên tiếp đả thương hai người, những người còn lại không ai dám tiến lên nữa. Bỗng nghe tiếng vó lộp cộp, từ bên đường hẻm có một con lừa chạy ra. Trên lưng lừa là một thanh niên thư sinh, tuổi chỉ chừng mười tám, mười chín, quần chùng áo dài, dáng vẻ nho nhã, dung mạo cực kỳ tuấn mỹ. Y cưỡi lừa chạy ngang bọn Tiêu Phong, ai cũng thấy người này so với hào khách gặp trên đường không giống chút nào, nên không khỏi liếc nhìn y mấy bận. Đoàn Dự đột nhiên buột miệng "A" lên một tiếng, lắp bắp:
-Ngươi... ngươi... ngươi...
Thư sinh kia không thèm nhìn đến chàng, vượt qua mọi người tiến lên trước. Chung Linh ngạc nhiên hỏi:
-Anh nhận ra vị tướng công này ư?
Đoàn Dự bẽn lẽn đáp:
-Không đâu! Ta lầm người rồi. Y... y là đàn ông, làm sao ta nhận ra được?
Câu trả lời của chàng xem ra có vẻ hơi sàm sỡ, A Tử nghe thế bèn cười rộ lên nói:
-Hóa ra ca ca chỉ nhận được đàn bà con gái chứ không nhận được đàn ông con trai.
Nàng ngừng lại một chút rồi hỏi lại:
-Không lẽ đó lại là đàn ông sao? Rõ ràng là đàn bà mà.
Đoàn Dự hỏi gặng:
-Ngươi bảo đây là đàn bà à?
A Tử nói:
-Đương nhiên là thế. Người cô ta có mùi thơm, đúng là mùi đàn bà rồi.
Đoàn Dự nghe nói đến "mùi thơm", tim đập thình thình: "Không lẽ... không lẽ đúng là cô ta sao?". Khi đó thư sinh kia đã cưỡi lừa chạy đến trước mặt hai đại hán, quát lên:
-Tránh ra!
Mấy tiếng đó giọng trong trẻo, đúng là của đàn bà. Đoàn Dự không còn hoài nghi gì nữa, kêu lên:
-Mộc cô nương, Uyển Thanh muội tử! Cô... cô... cô... ta... ta...
Chàng miệng thì gọi loạn cả lên, tay thì thúc ngựa chạy tới. Hư Trúc kêu lên:
-Tam đệ coi chừng vết thương!
Y liền cùng Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần cùng giục ngựa chạy lên. Thư sinh kia ngồi trên lưng lừa chỉ trừng trừng nhìn hai đại hán, không quay đầu lại, Chu Đan Thần từ bên hông ngó qua thấy y dung nhan đẹp đẽ, chính là Mộc Uyển Thanh, người năm xưa Đoàn Dự đã dẫn về Trấn Nam Vương phủ nước Đại Lý. Hai người kêu thầm: "Xấu hổ thật, bọn mình mắt sáng mà không tinh tường bằng một cô gái mù". Có biết đâu A Tử không nhìn thấy nhưng tai mũi đều nhạy bén hơn người thường, Mộc Uyển Thanh người có mùi hương nên cô ta ngửi qua là biết ngay đàn bà. Còn người khác chỉ thấy đây là một thư sinh, trong nhất thời không để ý là nam hay nữ.
Đoàn Dự giục ngựa chạy đến bên cạnh Mộc Uyển Thanh, giơ tay để lên đầu vai, dịu dàng nói:
-Muội tử, lâu nay cô ở đâu? Ta nhớ cô biết là chừng nào.
Mộc Uyển Thanh rụt về tránh bàn tay của chàng, quay đầu nhìn lại, lạnh lùng hỏi:
-Anh nhớ đến tôi? Vì cớ gì anh lại nhớ đến tôi? Có thực anh nhớ tôi không?
Đoàn Dự sững sờ, ba câu hỏi của nàng chàng không trả lời được câu nào. Người cầm chày cười ha hả nói:
-Hay lắm, thì ra ngươi là một cô gái, vậy ta để ngươi đi qua.
Đại hán cầm chùy cũng kêu lên:
-Đàn bà con gái thì qua được còn bọn đàn ông thối tha thì đừng hòng. Này, ngươi mau cút về đi, cút về đi.
Y vừa nói vừa chỉ Đoàn Dự, quát lên:
-Cái thứ mặt trắng đĩ đực kia, lão tử vừa trông thấy đã muốn nổi hung. Mi lên thêm một bước, ta không đánh cho nhừ tử chớ kể làm người.
Đoàn Dự đáp:
-Tôn huynh nói thế là sai rồi! Đây là đại đạo ai ai cũng có quyền đi, tôn huynh cớ gì lại không cho ta qua? Mong được chỉ rõ.
Đại hán kia đáp:
-Tông Tán vương tử nước Thổ Phồn có lệnh: Cửa ải này đóng mười ngày, sau kỳ Trung Thu tháng tám mới mở trở lại. Trước tiết Trung Thu thì đàn bà qua được, đàn ông không được, sư sãi qua được, tục gia không được, già cả qua được, trẻ tuổi không được, người chết qua được, người sống không được. Ấy gọi là "bốn hạng người qua được, bốn hạng người không qua được".
Đoàn Dự nói:
-Như thế thì còn đạo lý gì nữa?
Gã kia lớn tiếng đáp:
-Đạo lý ư? Đạo lý ư? Cái chùy đồng của lão tử đây, cái chày sắt của lão nhị đây thì là đạo lý chứ còn phải hỏi. Lời của Tông Tán vương tử là đạo lý. Ngươi là nam nhân, không phải hòa thượng, tuổi cũng chưa già, muốn qua khỏi ải thì chỉ có thể là người chết thì mới được thôi.
Mộc Uyển Thanh giận dữ nói:
-Hừm, sao lại có những qui củ thối tha tầm bậy tầm bạ gì lắm thế?
Tay phải vung ra, soẹt soẹt hai tiếng, hai mũi tên nhỏ chia ra bắn vào hai đại hán, chỉ nghe bộp bộp như trúng vào da bò, hai mũi tên rõ ràng bắn trúng ngực hai người nhưng không tổn hại gì cả. Gã cầm chùy giận dữ quát lên:
-Tiểu cô nương quả không biết tốt xấu, dám phóng ám tiễn phải không?
Mộc Uyển Thanh kinh hãi nghĩ thầm: "Hai gã này chắc là có mặc nhuyễn giáp, độc tiễn của ta bắn chúng chẳng ăn thua gì". Người cầm thiết chử giơ bàn tay to xù chộp vào Mộc Uyển Thanh. Gã đó thân hình cao to, Mộc Uyển Thanh tuy cưỡi trên lưng lừa nhưng khi tay y vươn ra đã chộp vào ngực nàng. Đoàn Dự kêu lên:
-Tôn huynh chớ có vô lễ.
Tay trái vung ra gạt tay y, gã đại hán lật bàn tay một cái, nắm ngay được cổ tay Đoàn Dự. Đại hán cầm chùy kêu lên:
-Hay lắm! Anh em ta xé đôi thằng lỏi mặt trắng ra đi.
Y đưa song chùy sang tay trái, tay phải chộp ngay cổ tay trái Đoàn Dự, dùng sức kéo mạnh. Mộc Uyển Thanh hốt hoảng kêu lên:
-Không được đả thương ca ca ta.
Soẹt soẹt lại thêm mấy mũi tên bắn ra nhưng đều như hòn đá ném xuống biển, tuy trúng người hai đại hán thật nhưng chẳng tổn hại chút nào. Nàng định bắn vào đầu vào mắt hai gã nọ nhưng ở giữa có Đoàn Dự, e rằng khiến chàng bị thương. Hai bên là hai vách núi sừng sững, Hư Trúc, Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần ba người bị tọa kỵ của Mộc Uyển Thanh chắn ngang, không có cách gì lên cứu được.
Hư Trúc phi thân rời khỏi yên ngựa nhảy đến bên cạnh gã cầm chày, giơ tay toan điểm vào sườn y nhưng nghe Đoàn Dự cười ha hả nói:
-Nhị ca không phải kinh hoảng, bọn họ không đả thương được tiểu đệ đâu.
Chỉ thấy hai đại hán cao to như cột đình kia từ từ sụm xuống, đầu lắc lư, đứng không vững chẳng bao lâu đã nghe bình bình hai tiếng ngã gục xuống đất. Bắc Minh thần công của Đoàn Dự chuyên hút nội lực địch nhân, nội lực hai đại hán nọ kiệt rồi, dù có thần lực trời sinh cũng đành vô dụng, khi đã gục xuống chỉ còn như hai mớ giẻ rách. Đoàn Dự nói:
-Các ngươi đánh chết bao nhiêu người, phải trừng trị như thế này để về sau không còn tái phạm được nữa.
Chung Linh lúc này mới chạy được tới nơi, cười nói:
-Chỉ sợ sau này hai người không còn bản lãnh đánh ai cho được.
Nàng quay sang nói với Mộc Uyển Thanh:
-Mộc tỉ tỉ, em không ngờ lại là chị.
Mộc Uyển Thanh lạnh lùng đáp:
-Ngươi là em gái ta, chỉ gọi "tỉ tỉ" cũng đủ rồi, việc gì phải thêm một chữ "Mộc" nữa?
Chung Linh ngạc nhiên:
-Mộc tỉ tỉ, chị nói đùa đấy ư? Em tại sao lại là em gái của tỉ tỉ được?
Mộc Uyển Thanh chỉ vào Đoàn Dự nói:
-Ngươi đi hỏi y xem sao?
Chung Linh quay sang Đoàn Dự đợi nghe giải thích. Đoàn Dự mặt đỏ bừng, ấp úng:
-Phải, phải... có điều... có điều lúc này không tiện nói rõ...
Thì ra những người bị hai đại hán kia chặn lại, lúc này đang lách qua người chàng, rảo bước chạy về phía thành Linh Châu. A Tử kêu lên:
-Ca ca, vị cô nương có mùi thơm kia, cũng lại là "người quen cũ" đấy ư? Sao anh hai không dẫn em lại giới thiệu?
Đoàn Dự đáp:
-Chớ có nói càn, đây là... đây là chị... chị ruột ngươi, mau lại đây chào hỏi.
Mộc Uyển Thanh giận dữ đáp:
-Ta làm gì có phúc như thế!
Nàng vỗ nhẹ vào mông con lừa, chạy thẳng về phía trước. Đoàn Dự cũng giục ngựa đuổi theo hỏi:
-Trong bao lâu nay cô ở nơi nào? Muội tử, cô... cô... sao độ này xanh xao thế.
Mộc Uyển Thanh tâm cao khí ngạo, hơi một tí là ra tay giết người, thế nhưng nghe những lời dịu ngọt, trong lòng xót xa, hơn một năm qua lênh đênh không nhà, chịu biết bao nhiêu sương pha nắng gội, chua chát đắng cay, bây giờ nỗi niềm dâng lên, không cầm được nước mắt, hai giòng lệ trào ra tuôn rơi lã chã. Đoàn Dự nói:
-Hảo muội tử, chúng ta nhiều người lo liệu cho nhau được, muội tử đi cùng với bọn ta nhé.
Mộc Uyển Thanh đáp:
-Ai cần anh lo liệu cho tôi? Không có anh, tôi một thân một mình cũng vẫn sống được bấy lâu nay.
Đoàn Dự đáp:
-Ta có biết bao nhiêu chuyện cần nói với cô. Hảo muội tử, cô bằng lòng đi chung với bọn ta đi thôi!
Mộc Uyển Thanh hỏi lại:
-Anh có gì mà bảo là cần nói với tôi? Chắc chỉ toàn chuyện tầm phào chứ gì?
Miệng tuy không bằng lòng nhưng giọng điệu đã dịu lại. Đoàn Dự hết sức mừng rỡ vội tán tỉnh:
-Hảo muội tử, tuy cô dạo này hơi gầy đi nhưng càng ngày càng đẹp ra.
Mộc Uyển Thanh sầm mặt xuống nói:
-Anh là huynh trưởng của tôi, không được ăn nói như thế nữa.
Nàng trong lòng rối như tơ vò, biết rõ Đoàn Dự là anh em cùng cha khác mẹ với mình nhưng lòng thương nhớ yêu đương không vì thế mà tiêu giảm mà càng ngày lại càng tăng. Đoàn Dự cười nói:
-Ta nói cô càng lớn càng xinh thì có gì mà không được? Hảo muội tử, vì cớ gì cô lại cải nam trang để đến Linh Châu? Đi ứng tuyển phò mã chăng? Một thư sinh tuấn tú như cô, công chúa Tây Hạ vừa trông thấy là sẽ mê ngay.
Mộc Uyển Thanh nói:
-Thế sao anh cũng đến Linh Châu làm gì?
Đoàn Dự sượng sùng đáp:
-Ta đi xem trò vui chứ không có gì khác.
Mộc Uyển Thanh hừ một tiếng nói:
-Anh đừng có nói dối. Gia gia bảo anh đi Tây Hạ ứng tuyển phò mã, sai họ Ba, họ Chu đưa thư đến cho anh, anh tưởng tôi không biết hay sao?
Đoàn Dự ngạc nhiên hỏi lại:
-Ồ, thế ra cô cũng biết thế à?
Mộc Uyển Thanh đáp:
-Mẹ em gặp cha chúng ta, em đi cùng với má má lẽ dĩ nhiên chuyện gì chả biết.
Đoàn Dự nói:
-Thì ra là thế! Cô biết ta đi Linh Châu nên chạy theo để kiếm ta có phải không?
Mộc Uyển Thanh hơi đỏ mặt, lời Đoàn Dự nói đúng tâm sự nàng nhưng vẫn cãi bướng:
-Em đi kiếm anh làm gì? Em đi là để xem công chúa Tây Hạ đẹp cỡ nào mà làm cho thiên hạ náo loạn cả lên như thế.
Đoàn Dự định nói: "Ví như chỉ cần đẹp bằng nửa cô thì cũng đã đẹp lắm rồi". Thế nhưng nghĩ lại câu đó nói với tình nhân thì được,còn với em gái mình thì không nên, lời ra đến đầu môi vội vàng hãm lại. Mộc Uyển Thanh nói:
-Em cũng định đi xem Đoàn vương tử của nước Đại Lý ta, có vói được cành quế hay chăng?
Đoàn Dự nói khẽ:
-Ta nhất quyết không làm phò mã Tây Hạ đâu. Muội muội, câu đó cô chớ có tiết lộ cho ai đấy nhé. Nếu như gia gia ép ta nữa, ta lại bỏ nhà ra đi.
Mộc Uyển Thanh hỏi lại:
-Không lẽ gia gia đã ra lệnh như thế, anh lại dám kháng cự hay sao?
Đoàn Dự đáp:
-Ta nào có kháng lệnh, ta chỉ bỏ đi thôi.
Mộc Uyển Thanh cười nói:
-Đào tẩu và kháng lệnh có gì khác nhau đâu? Một công chúa cành vàng lá ngọc sao anh lại không thích?
Từ khi gặp lại nhau, đây là lần đầu tiên nàng nở một nụ cười, Đoàn Dự trong lòng vui lắm nói:
-Thế cô tưởng ta cũng giống như gia gia sao? Gặp ai yêu nấy, đến sau rứt ra không được.
Mộc Uyển Thanh nói:
-Hừ, em xem anh và gia gia cũng có khác gì nhau đâu, quả đúng là cha nào con nấy. Có điều anh không được may mắn như gia gia mà thôi.
Nàng thở dài một tiếng nói tiếp:
-Như mẹ em chẳng hạn, ở sau lưng nói tới gia gia thì hận ông lắm lắm. Thế nhưng vừa thấy mặt nhau thì đã tươi như hoa, chuyện gì cũng tha thứ cả. Các cô trẻ tuổi bây giờ có còn ai được như mẹ em đâu.