The Mech Touch: Sắc Nét Chiến Cơ
Chương 30: Vòng loại
Chương 30: Vòng loại
Bentheim đăng cai tổ chức Giải Tiểu hổ Tranh tài trong một khu phức hợp dành cho các hội nghị lớn, cùng với nhiều tòa nhà được xây dựng cho mục đích này. Nơi này chiếm một diện tích đất khá lớn và đắc địa, đem lại bầu không gian mênh mông dành cho khách du lịch và những người say mê chiến cơ đến tham dự sự kiện này. Đương nhiên, ban tổ chức đặt cuộc thi giữa các phi công chiến cơ làm sự kiện chính. Buổi lễ khai mạc và màn giới thiệu các phi công hạt giống của cuộc thi diễn ra ở khu vực chính trong khi các vòng loại dành cho cuộc thi thiết kế chiến cơ lại nằm ở một tòa nhà bên cạnh nhỏ hơn và ít du khách hơn nhiều.
Trước khi cậu tham dự vào cuộc thi, Ves kiểm tra Trạng thái của mình và nhận ra mình đã tích đủ 300 DP. Với chừng điểm này, cậu ngay lập tức mua kĩ năng phụ Chế tác Ứng biến II, và phải chịu đựng một cơn đau đầu nhẹ. Nó khiến cậu tốn nhiều thời gian hơn cậu nghĩ để chuẩn bị. Trong khi cậu vội vã ăn bữa sáng của mình, cậu vẫn phải phân tích cách Hệ Thống sắp xếp lại bộ não của mình một cách kì lạ.
“Sắp đến giờ rồi!” Đại úy Gillian hô lên trong phòng ăn. “Tập trung trước sảnh khách sạn mau.”
Ves đành phải để lại con mèo máy của mình ở phòng khách sạn. Mang theo Lucky trong lúc cậu đang dự thi cũng không được hay cho lắm. Không chỉ vì thú cưng không được phép mang vào phòng thi, mà chúng còn tăng khả năng gian lận nữa.
Thế là cậu một mình một ngựa đi tới vòng loại. So với sự hoành tráng vang dội của sự kiện chính, cuộc thi thiết kế chiến cơ chỉ là một sự kiện phụ chỉ thu hút một phần nhỏ đám đông mà thôi. Hầu hết khán giả tham dự đều là bạn bè và gia đình của các thí sinh dự thi. Đến tận ngày mai người ta mới nườm nượp kéo tới để xem tám thí sinh xuất sắc nhất bước lên sân khấu.
“Ves! Ôi chà, bạn tui, gặp ông vui ghê á!” Một cậu thanh niên mũm mỉm với mái tóc hồng rực cháy bắt gặp Ves và nở nụ cười vui vẻ mà bước tới. “Bạn tui à, bọn tui không tài nào liên lạc với ông được lần nào kể từ khi tụi mình tốt nghiệp đó. Cứ như ông bị rơi vào hố đen vậy.”
Ves mỉm cười và đập tay vào người bạn học cũ của mình. “Ey Carlos. Tui gặp chút chuyện ở nhà thôi. Tự khởi nghiệp với xưởng sản xuất chiến cơ khó hơn tui tưởng.”
“Ông làm thiệt luôn hả?! Không nói đến thiết bị, nhưng làm thế nào mà ông mua được giấy phép thế?”
“Tui gặp hên thôi.” Ves tiếp tục kể lại hầu hết những gì mà cậu đã làm trong hai tháng vừa qua cho bạn mình.
Carlos Shaw nhìn Ves với vẻ mặt đầy cảm xúc lẫn lộn. “Tui không biết là ông có phải là tên khốn may mắn nhất hành tinh hay không nữa. Chỉ có những viện tài trợ khùng điên lắm mới cấp cho ông giấy phép sản xuất chiếc Caesar Augustus đó.”
“Ừa, và tui đang vắt óc suy nghĩ làm cách nào để chế tạo nó mà không bị phá sản đây này. Đó cũng là lý do tại sao tui phải ở đây. Tui phải tìm khách hàng đầu tiên cho chiến cơ đầu tiên của tui, còn không thì ăn c*t.”
“Tui ghen tị với khả năng tự lập của ông quá. Để kể ông biết tui làm gì kiếm sống mấy ngày nay. Cha tui kiếm được cho tui một việc làm ở bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm của một công ty bán sỉ ở Bentheim này.”
Carlos đi theo con đường của vô số nhà thiết kế chiến cơ khác tốt nghiệp tại Rittersberg. Họ bắt đầu từ vị trí thấp nhất trong các tập đoàn lớn. Giống như các sinh viên tốt nghiệp khác, công việc hiện tại của Carlos chẳng liên quan gì đến việc thiết kế chiến cơ dưới bất kì hình thức hay cách thức nào. Việc duy nhất cậu ấy cần làm là kiểm tra các mặt hàng chiến cơ mà công ty nhập khẩu và ghi lại những bộ phận nào bị lỗi.
Carlos có thể là một nhà thiết kế chiến cơ ở mức trung bình, nhưng với kiến thức từ đại học thì cậu ấy dư sức làm thợ cơ khí chiến cơ. Nói thẳng ra thì, bất kì nhà thiết kế chiến cơ nào mà chưa được học tập tại một trường đại học danh tiếng nào ở một quốc gia hạng hai đều không hề có cửa bước vào thế giới thiết kế chiến cơ thật sự.
Chính tình trạng thảm hại của ngành công nghiệp này ở nước Cộng Hòa Bright có lẽ là lý do lớn nhất khiến chính phủ phải tổ chức cuộc thi này. Họ muốn kích thích ngành công nghiệp chiến cơ nội địa, hoặc ít nhất là không trở nên quá phụ thuộc vào các tập đoàn xuyên ngân hà ngoại bang.
Hai cậu trai trò chuyện thêm đôi chút về hoàn cảnh của mình sau tốt nghiệp. Sau khi xếp hàng chờ đợi, bên an ninh xác nhận thông tin cá nhân của họ và cho phép họ đi vào phòng chờ của các thí sinh. Có khoảng tầm một trăm các thiết kế gia trạc tuổi thanh thiếu niên ngồi thoải mái trên ghế hoặc đang trò chuyện với bạn bè và người quen của họ.
Ves cũng nhận ra một số bạn học cùng lớp nổi bật hơn, bao gồm cả học sinh đứng đầu lớp tên là Patricia Schneider. Cha mẹ cô làm việc ở những vị trí trung cấp tại công ty Bosworth, tuy nghe không mấy ấn tượng nhưng thực chất là đại diện cho quyền lực của tập đoàn khổng lồ có thể ảnh hưởng đến cư dân địa phương. Với gia thế của Patricia, cô nàng đáng ra đã đủ điều kiện để đi du học tại một trường đại học danh tiếng ở một quốc gia hạng hai. Thay vào đó, cô ở lại Cộng Hòa Bright và theo học tại Đại học Công nghệ Rittersberg giống như những người dân nghèo khổ và bất tài khác.
“Ông nghĩ khả năng thắng của Patricia là bao nhiêu?”
“Khoảng 20%.” Carlos điềm nhiên ước tính. “Tui nghe là nhỏ đó, bằng cách nào đó, được một nhà thiết kế chiến cơ cấp lão luyện để ý rồi trở thành đệ tử của ổng luôn. Chả biết ổng là ai, nhưng mà tui nghe người ta nói thế. Người ta còn đồn là ông ta dạy kèm cho Patricia hồi mình còn học ở đại học đó.”
“Hèn gì nhỏ toàn đạt điểm tối đa trong mọi kì thi lý thuyết.”
“Ừa, cảm ơn trời là nhỏ không giỏi thực hành bằng, chứ không thì nhỏ sẽ cho tất cả tụi mình bay màu hết.”
Vừa xoa cằm, Ves quay lưng lại với Patricia và nhìn sang một vài thí sinh khác. Một số người ưỡn ngực với tư thế tự tin hơn, rất khác so với các sinh viên địa phương. Họ gần như tỏa ra hào quang hợm hĩnh như các phi công chiến cơ khác!
“Tui thấy ít nhất có bảy đứa đi du học ở trường đại học xịn nha.” Carlos nói, cũng bởi cậu thấy các sinh viên đồng trang lứa ở Rittersberg quen thuộc với mình hơn nhiều. “Tui không nhận ra tụi đấy lắm, nhưng tui nhận ra thằng cha Edwin McKinney đằng kia kìa.”
Chàng trai trẻ tuổi đang đề cập tới đứng trước một nhóm người hâm mộ. Vẻ mặt anh ta toát lên vẻ thượng đẳng bằng tất cả những kẻ khác cộng lại.
“Cậu ta như thế nào?”
“Hắn học ở trường đại học ở Tân Đế Quốc Rubarth. Chả biết tên là gì, nhưng mà là của người Rubarth nên kệ cha nó. Mặc dù không phải là một trong những học viện ưu tú ở Estelon, hắn vẫn khoe khoang về thành tích của mình bất cứ khi nào có thể. Cứ như thể hắn là người khai sáng mang lại nền văn minh cho tụi mình như người man rợ vậy.”
Mặc dù nghe thì ngứa tai thật, nhưng sự thật thì không phải là không có cơ sở. Kể cả Ves của cảm thấy thôi thúc muốn tham khảo ý kiến của Edwin về thông tin phát triển mới nhất của chiến cơ. Được đi học thiết kế chiến cơ ở một trường đại học ngẫu nhiên nào đó ở Tân Đế quốc Rubarth là một khái niệm hoàn toàn khác hẳn so với việc học cùng bằng cấp ở một quốc gia hẻo lánh như Cộng Hòa Bright. Ngay cả những chiến cơ rác rưởi rẻ rách nhất mà Tân Đế quốc sử dụng hẳn phải đi trước đến hai thế hệ. Những công nghệ tiên tiến nghe như viển vông đối với Ves lại là chuyện bình thường ở những quốc gia hạng nhất hùng mạnh đó.
Ves cảm thấy hơi tiếc nuối vì đã không học hành chăm chỉ hơn trong những năm tháng thiếu niên của cậu. Nếu cậu cố gắng chăm chỉ hơn và đạt được kết quả tốt hơn hồi xưa, thì cậu có lẽ đã có cơ hội theo học tại một học viện ưu tú ở quốc gia hạng hai hoặc hạng nhất rồi.
“Tụi mình sống ở thế giới khác nhau mà. Có so sánh với hắn cũng chẳng được gì. Thà mình tập trung vào sự nghiệp của bản thân thì hơn.” Ves khuyên nhủ, mặc dù lý do thực sự khiến cậu tỏ ra thờ ơ như thế là bởi cậu có thể dựa vào Hệ Thống Thiết Kế Chiến Cơ để vượt qua những đối thủ này trong tương lai. Đó là một lợi thế mà cậu chắc chắn rằng ngay cả những nhà thiết kế chiến cơ trẻ tuổi và tài giỏi nhất cũng không sở hữu được. Với sức mạnh của nó, cậu giờ đây đang nắm giữ tấm vé đạt đến đỉnh cao trong ngành thiết kế chiến cơ. Vấn đề còn lại là thời gian mà thôi.
“Kính thưa quý vị, xin hãy chào đón những thí sinh tài giỏi và xán lạn nhất của Cộng Hòa Bright!”
Một nhân viên ra hiệu cho các thí sinh rời khỏi phòng chờ. Họ bước lên sân khấu với sự hiện diện của tất cả 150 thí sinh. Họ cúi chào đám đông toàn những gương mặt vừa xa lạ vừa thân thuộc.
Người dẫn chương trình là một người đàn ông có mái tóc bạc phơ với giọng nói khỏe khoắn, có vẻ là một cựu chiến binh trong Quân Đoàn Chiến Cơ. “Như mọi người thấy, việc phân bố xưởng thiết kế và các bộ phận chiến cơ cho từng thí sinh sẽ quá lãng phí. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của máy chiếu ba chiều của trung tâm hội nghị, chúng ta có thể tiết kiệm không gian và tài nguyên bằng cách tiến hành vòng loại trong môi trường thực tế ảo sắc nét đến từng chi tiết.”
Một vài tiếng rên rỉ phát ra từ một số thí sinh. Họ đều muốn táy máy với các bộ phận chiến cơ ngoài đời và hy vọng lần này sẽ khác.
“Bây giờ, giống như năm ngoái, chúng tôi dự định đưa ra một loạt thử thách thiết kế và lắp ráp các bộ phận chiến cơ được chọn ra từ trước để chế tạo thành một chiếc chiến cơ hoàn chỉnh. Để tạo ra một chiến cơ hoạt động như ý không phải là khó, nhưng các thí sinh cần có kỹ năng và kiến thức để chế tạo chiến cơ từ những bộ phận thiếu chất lượng như thế này. Nhiệm vụ của các bạn là tạo ra một chiến cơ sẽ được chạy trong bài thử nghiệm 10 km tiêu chuẩn. Tất cả chiến cơ sẽ được ông Hans lái thử ở đây,”
Một phi công chiến cơ kì cựu khác đứng bên cạnh vẫy tay.
“-là một chuyên gia cực kì nghiêm khắc và sẽ đối xử công bằng với bất kì chiến cơ nào. Có ai có thắc mắc gì không?”
“Thời gian giới hạn là bao nhiêu?”
“Mười hai tiếng kể từ khi vòng loại bắt đầu.”
“Có giới hạn nào về hạng cân và vũ khí không?”
Người dẫn chương trình cười toe toét. “Cứ thỏa sức thiết kế bất kì chiến cơ nào các bạn muốn. Chúng tôi không đặt ra bất kì giới hạn nào miễn là nó nằm trong định nghĩa của một chiến cơ. Bạn muốn gắn bốn cánh tay vào chiến cơ ư? Được. Bạn muốn thiết kế một chiến cơ với phần thân bị lộn ngược ư? Vô tư. Chúng tôi đã đặc biệt chọn ra ông Hans bởi vì ông ấy là một phi công toàn diện. Ông Hans có thể lái chiến cơ hạng nhẹ, hạng trung, và hạng nặng với hiệu suất tương đương nhau. Ông ấy cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc lái các mẫu chiến cơ dạng thú phổ biến khác. Ông ấy cũng có thể tiêu diệt vô số kẻ địch như nhau dẫu có dùng kiếm hoặc súng đi chăng nữa.”
“Ông ấy là A.I. à?”
Câu hỏi đó khiến một vài người phì cười.
“Tôi có thể đảm bảm, ông ấy là con người 100%.”
Điều đó làm Ves yên tâm hẳn. Ưu điểm duy nhất của cậu so với các thí sinh khác là khả năng hiện thực hóa yếu tố X bên trong chiến cơ. Nếu thành phẩm của cậu được kiểm tra bởi trí tuệ nhân tạo, thì cậu thực sự nghi ngờ rằng liệu chương trình phần mềm vô cảm đó sẽ nhận ra được sự khác biệt hay không nữa.
“Được rồi, nếu không còn câu hỏi nào nữa, thì vui lòng vào vị trí tại khu vực được chỉ định. Nếu có bạn nào không có thiết bị cấy ghép xúc giác, vui lòng đeo găng tay được cung cấp để đảm bảo các bạn có thể di chuyển hình ảnh ba chiều xung quanh.”
Đa số nhà thiết kế chiến cơ đều cấy ghép những con chip công nghệ cao cho phép họ chạm vào hình ảnh ba chiều như thể chúng là đồ thật. Nó chỉ không mô phỏng trọng lượng thật của vật thể, nhưng nó hoạt động đủ tốt cho mục đích của cuộc thi này.
“Chuẩn bị. Sẵn sàng, BẮT ĐẦU!”
Khoảng không gian trống trước mặt mỗi thí sinh bỗng nhấp nháy trước khi một loạt các bộ phận thu nhỏ ba chiều và các khung hình chiến cơ dần xuất hiện trước mắt họ. Khung cảnh này trông như có ai đó lượm các bộ phận từ bãi phế liệu rồi ném nó trước toàn thể thí sinh vậy. Thứ duy nhất khác biệt so với rác rưởi chính là các bộ phận ấy trông vẫn còn mới và chưa qua sử dụng, và tất cả thí sinh đều phải thiết kế với những bộ phận giống nhau này. Khi Ves đến gần một lò phản ứng và thử chạm vào nó, thì nó sẽ được phóng to ra cho đến khi đạt kích thước thật.
“Ra đó là cách họ tiết kiệm không gian ở đây.”
Việc thu nhỏ các bộ phận không sử dụng cũng là điều hợp lý. Nếu không thì toàn bộ phòng thi sẽ không đủ chỗ để chứa 150 thí sinh nếu tất cả mọi người đều làm việc với các bộ phận khổng lồ như thế này. Ves nhìn xung quanh để xem những người khác đối mặt với thử thách này ra làm sao. Đa số đều nhìn vào đống rác và có chút choáng ngợp. Carlos gãi gãi đầu trong khi cậu ta chậm rãi suy nghĩ các lựa chọn của mình. Patricia Schneider ngay lập tức chọn một khung chiến cơ dạng người tiêu chuẩn và bắt đầu sắp xếp các bộ phận khác nhau để lắp vào cỗ máy mới của mình.
Về phần Edwin McKinney, chàng trai ấy đã chọn một hướng đi táo bạo cho chiến cơ của mình. Cậu ta chọn cách kết hợp một chiến cơ đại bàng hạng nhẹ với một hệ thống phi cơ đầy dũng mãnh. Sự kết hợp đó sẽ tạo ra một phi chiến cơ nằm giữa ranh giới hạng nhẹ và hạng trung, không phải là hạng cân tốt nhất cho chiến cơ này. Ves nghi ngờ rằng Edwin đang chuẩn bị một vài chiêu trò bất ngờ cho sản phẩm của cậu ta.
Về phần thiết kế của bản thân, cậu lướt qua các bộ phận có sẵn. Hầu hết các bộ phần đều đã lỗi thời, khoảng từ hai đến bốn thế hệ trước. Trong Iron Spirit, những bộ phận này sẽ được coi là bộ phận 3-sao hoặc 4-sao, khá là cao cấp với các nhà thiết kế chiến cơ học việc, nhưng không đến mức khiến họ choáng ngợp nếu họ chỉ tập trung vào những bộ phận đơn giản hơn. Các bộ phận tiêu chuẩn khác đều nằm trong khả năng của cậu.
Thay vì bắt đầu chọn những bộ phận mà mình thích, Ves lại áp dụng một cách tiếp cận khác. Cậu nghiên cứu ông Hans, người thử nghiệm cho cuộc thi thiết kế lần này, và suy nghĩ về mô tả về ông ta từ người dẫn chương trình. Nếu Ves muốn vượt qua vòng loại, thì cậu phải sử dụng điểm mạnh của cậu, và đó chính là tích hợp yếu tố X vào thiết kế của mình.
“Nếu mình chọn con đường này thì cũng là một rủi ro. Nếu mình để cảm xúc điều khiển thay cho lý trí để thiết kế chiến cơ, thì mình sẽ không thể đưa ra những lựa chọn tối ưu nhất. Các chiến cơ khác sẽ có thông số kỹ thuật tốt hơn của mình là cái chắc.”
Tuy nhiên, giờ chiến cơ của cậu hoạt động kém hơn các chiến cơ khác tầm 5% thì có vấn đề gì không chứ? Chỉ có những chiến cơ hoạt động tốt nhất trong pha thử nghiệm mới có thể vượt qua vòng loại. Cho dù có thêm thắt này nọ vào chiến cơ đi chăng nữa, nếu ông Hans không sử dụng hết tiềm năng của nó thì đó không phải là một mẫu thiết kế đủ tốt. Sản phẩm phải phù hợp với phi công chứ không phải đi theo sở thích của thiết kế gia.
“Ông Hans thích lái chiến cơ gì nhất nhỉ?”
Xui xẻo thay, Ves không được phép truy cập vào mạng ngân hà giữa cuộc thi như thế này. Cậu chỉ có lời miêu tả ngắn gọn của người dẫn chương trình để đoán mò mà thôi. Điểm mạnh của vị phi công đó là gì?
“Tính linh hoạt.”
Ông Hans có thể lái hầu hết các chiến cơ trên thị trường, và chắc chắn ông phải tập luyện rất nhiều. Người đàn ông này đã dành phần lớn sự nghiệp lái chiến cơ của mình để học cách điều khiển nhiều loại máy móc khác nhau. Ông ta luyện tập nâng cao cả kĩ năng sử dụng vũ khí cận chiến và tầm xa cho đến khi ông ta có thể liên tục thay đổi cách giao chiến mà không ảnh hưởng đến chiến lực của mình.
Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng Ves nghĩ chiến cơ như chiếc Marc Antony sẽ phù hợp với ông Hans. Chiếc chiến cơ hạng trung mang lại sự linh hoạt tối đa, cho phép ông Hans tránh các đòn tấn công và chống chịu các hỏa lực khác. Với cây chùy và tấm khiên, ông Hans có thể làm gỏi bất kì cỗ máy nào ngoại trừ các hiệp sĩ hạng nặng, và với khẩu pháo laser gắn trên cổ tay, ông ta có thể bắn hạ bất kì ai từ tầm trung. Việc thiếu sức bền không hẳn là một vấn đề lớn vì sản phẩm của cậu chỉ cần vượt qua màn thử nghiệm ngắn nhưng đầy thử thách trong bài thử nghiệm 10 km tới.
“Mình không cần phải làm cái gì thái quá cả. Nếu mình có cơ hội để sử dụng kinh nghiệm quen thuộc của mình để làm lợi thế thì tội gì mà không làm. Không có gì đáng xấu hổ khi sử dụng một mẫu thiết kế mà mình biết rõ để tham khảo. Miễn là thiết kế của mình có thể hoạt động tốt, thì ông Hans sẽ dễ dàng vượt qua bài thử nghiệm thôi.”
Ves cuối cùng cũng bước tới và chọn một vài bộ phận đầy hứa hẹn và phù hợp với kế hoạch của cậu. Cậu hình dung một cỗ máy dành cho một viên phi công có nhiều kỹ năng linh hoạt.
“Đầu tiên, chiến cơ này phải là hạng trung để duy trì tính linh hoạt của nó. Chiếc chiến cơ này cũng phải biết bay, nhưng đôi cánh không cần mạnh mẽ cho lắm. Bay chỉ là cách để đạt được mục đích thôi. Tiếp theo, nó cần một sự cân bằng giữa các lựa chọn cận chiến và hỏa lực tầm xa.
Ves hình dung ông Hans sẽ thích lái một cỗ xe ngựa đơn giản. Nó không cần quá cầu kì và không cần thêm thắt phụ gia gì ráo. Mẫu thiết kế chỉ cần làm đúng nhiệm vụ, không hơn không kém. Qua quá trình suy nghĩ này, Ves hiểu rằng đề thi mà ban tổ chức đưa ra bao gồm nhiều hàm ý hơn những gì họ bộc lộ bên ngoài.
“Họ đưa cho mình một đống bộ phận, có cái cao cấp hoặc phức tạp hơn khả năng của tụi mình.” Ves lắc đầu và liếc nhìn những cô cậu thiết kế gia xung quanh đều dường như phát điên trước vô vàn lựa chọn. “Đó thật sự là một cái bẫy tinh vi. Nếu chúng ta quá chú tâm vào việc sử dụng một bộ phận cao cấp vào một mẫu thiết kế không phù hợp, thì ông Hans sẽ không thể nào lái nó tốt được và sẽ không thể nào vượt qua bài thử nghiệm.
Giờ đây Ves cảm thấy tự tin hơn vào cơ hội của mình. Mặc dù những nhà thiết kế khác như Patricia và Edwin vẫn là thí sinh tiềm năng nhất trong cuộc thi, nhưng cậu cảm giác rằng cậu vẫn còn cơ hội để lọt vào cuối top 8.
“Để xem liệu mình có thể tạo ra chiếc Marc Antony dị bản từ mấy bộ phận này không nhé.”