The Mech Touch: Sắc Nét Chiến Cơ
Chương 129: Cấu trúc
Chương 129: Cấu trúc
Patricia đặt cái máy tính bảng đang chiếu buổi phỏng vấn của Ves với Biên Tinh Báo xuống. Cô nàng ngồi tựa lưng vào ghế và nhìn ra một khu vườn yên bình trên một hòn đảo tư nhân ở Leemar. Cô gái ấy liếc nhìn cái hình chiếu ba chiều của một chiếc chiến cơ quen thuộc đang gồng mình hứng chịu một đợt mưa tên lửa dữ dội.
“Giờ thì em đã thấy chiếc Huyết Niên rồi đó, em nghĩ sao hả, Patricia?” Một giọng nói nữ giới vang lên ở bên cạnh.
Đó là Lyri Reywind, một Nhà Thiết Kế Chiến Cơ Thành Thạo ngoại quốc đang làm việc cho Bậc Thầy Vô Diện, người vừa bỏ một trái nho căng mọng vào miệng. Kể từ khi Patricia được vị Bậc Thầy thu nhận làm đệ tử, thì chị Lyri đã tận tình chỉ dẫn cô để theo kịp với tiêu chuẩn hiện tại. Patricia đã tiến bộ vượt bậc sau khi cô nàng kết hợp một vài kỹ năng trung cấp cùng với cái nền tảng vững chắc của cô.
“Cấu trúc của chiếc Huyết Niên không có gì đặc biệt, mặc dù nó được chế tạo cũng rất là bài bản.” Patricia trả lời sau khi suy nghĩ một chút. “Thể loại chiến cơ hiệp sĩ nhìn chung cũng khá là đơn giản, nhưng đó không phải là một thành tích xuất sắc đối với một Nhà Thiết Kế Tập Sự. Em chỉ có thể nói rằng Ves có một cái nền tảng khá là tốt thôi.”
“Em chỉ thấy vậy thôi sao? Nếu nó chỉ đơn thuần là một mẫu thiết kế tầm thường, thì nó làm sao lại có thể làm thu hút sự chú ý trên các bản tin cơ chứ?”
“Trang bị thì khá là tiêu chuẩn nhưng không có gì nổi trội. Hệ thống phụ trợ cũng đã được cải thiện, nhưng cũng chỉ một chút mà thôi. Diện mạo lớp giáp đã có sự thay đổi lớn và kết cấu bên trong cũng linh hoạt hơn rất nhiều. Phi công nào mà bước vào buồng lái của chiếc Huyết Niên chắc chắn sẽ đánh giá cao khả năng điều khiển trơn tru của nó.”
“Đó chỉ là những lời đánh giá khách quan mà bất kì nhà thiết kế chiến cơ thông thường nào cũng có thể đưa ra nếu họ đối chiếu nó với số liệu kỹ thuật của nó.” Lyri lắc đầu thất vọng trong lúc khuyên nhủ đàn em của mình. “Em là một nhà thiết kế tài năng, nhưng vẫn chưa đi ra khỏi vùng an toàn. Đừng chỉ nhìn chiến cơ bằng lý trí, mà hãy nhìn nó bằng cả trái tim của em nữa.”
Patricia trông hoang mang thật sự. Cặp lông mày duyên dáng nhíu lại khi cô đẩy hết tất cả số liệu phức tạp sang một bên mà chỉ tập trung nhìn cái hình chiếu của mẫu chiến cơ ảo đang chiến đấu kia. Cô nàng không biết phi công chiến cơ đó là ai, nhưng lại cảm thấy người này biểu diễn trên chiến trường một cách hết sức tự nhiên. Liệu đó có phải là một phi công chuyên nghiệp không?
Không phải. Kỹ năng của phi công ấy vẫn chưa đến mức đấy. Thay vào đó, chiến cơ lại di chuyển rất ư là mượt mà và dứt khoát. Patricia thậm chí còn không thấy có dấu hiệu ngập ngừng hay lưỡng lự mà người ta thường thấy ở những phi công nghiệp dư. Nghĩ kỹ lại thì cô mới phát hiện ra rằng trong số các đoạn thu hình mà cô vừa xem, phi công nào cũng chiến đấu hết sức mình mà không bị xao lãng bởi các yếu tố tâm lý và môi trường xung quanh.
“Hay là giao diện thần kinh có gì bất thường hả chị?”
“Không.” Lyri trả lời. “Chị đã đích thân kiểm tra bản thiết kế của nó rồi. Giao diện thần kinh vẫn dùng loại tiêu chuẩn, không khác gì so với mẫu Giáp Giáo nguyên bản. Nghĩ kỹ nữa đi em. Cái gì có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất chiến đấu của một chiếc chiến cơ mà lại không hề xuất hiện trên bản thảo hay số liệu kỹ thuật của nó?”
“Triết lý thiết kế ư? Không thể nào! Ves chỉ mới là một tập sự, còn lâu mới có thể định hình một triết lý thiết kế để có thể tác động đến chiến cơ mà!”
“Nhân loại chúng ta vô cùng đa dạng mà em, nên mấy trường hợp ngoại lệ như thế này cũng không phải là hiếm. Chúng ta gộp hết tất cả những hiện tượng không thể lý giải thành một khái niệm gọi là triết lý thiết kế là bởi vì chỉ có số ít người trong ngành chúng ta mới có thể tạo ra những hiện tượng kì lạ vượt ngoài tầm hiểu biết của nhân loại mà thôi. Bậc Thầy Olson quả là có mắt khi bà ấy phát hiện ra một viên ngọc thô ở ngoài kia.”
Thông thường thì những người ở cấp độ học việc và tập sự chỉ nghe loáng thoáng về triết lý thiết kế mà thôi. Theo sách giáo khoa cơ bản, thì triết lý thiết kế chính là hiện thân của sự hiểu biết và tinh thông về chiến cơ của một thiết kế gia, với một cái nhìn độc đáo về tác phẩm của họ mà không ai có thể bắt chước được.
Thực ra thì triết lý thiết kế bao hàm nhiều thứ hơn là sự hiểu biết đơn thuần. Patricia có tìm hiểu thêm đôi chút về khái niệm này. Chỉ có những ai đã trau dồi triết lý thiết kế của mình vượt qua một mức nào đó mới có thể đột phá để trở thành một Nhà Thiết Kế Lão Luyện hoặc Bậc Thầy. Còn những người khác đa phần sẽ dừng lại khi đã chạm đến giới hạn của cấp Thành Thạo.
“Đừng nản lòng nhanh vậy, Patricia à. Triết lý thiết kế đi kèm với kinh nghiệm và quá trình học hỏi nữa. Chưa học bò chớ lo học chạy.”
“Thế Ves đang ở giai đoạn nào rồi vậy chị?”
“Chị nghĩ thật ra thì cậu ta đang chạy nước rút một trăm mét luôn rồi. Cậu ta không thể nào tiếp tục như vậy mà không làm tổn hại đến nền tảng thiết kế của cậu ta.”
“Vậy thì chúng ta phải cảnh báo cho cậu ấy ngay!” Patricia thốt lên rồi mở máy liên lạc lên.
Chị Lyri liền vung tay chém vào không khí, khiết toàn bộ tín hiệu liên lạc trên đảo bị ngắt ngay lập tức. “Dừng lại!”
“Tại sao chứ?!”
“Em không nghĩ Bậc Thầy của cậu ta không biết gì sao? Có trải mới thấm, có ngấm mới hiểu. Khi cậu nhóc Ves vấp ngã không thể nào tránh khỏi, thì Bậc Thầy Olson sẽ ở đó thu dọn tàn cuộc cho cậu ta.”
Mặc dù Patricia vẫn rất lo lắng, nhưng cô cũng không có quyền can thiệp. Mỗi nhà thiết kế chiến cơ đều phải tự mình giác ngộ ra con đường đi đến đỉnh vinh quang của bản thân.
Quay lại Bức Màn Mây, Ves chuẩn bị tiếp tục cải tạo mẫu thiết kế đã lỗi thời của mình.
“Bước tiếp theo thực sự đau đầu đây.”
Giai đoạn hai của dự án tái thiết kế bao gồm việc đại tu phần kết cấu bên trong hoặc nội tạng của chiếc Marc Antony. Ves không có ý định thay thế bất kì bộ phận nào đã được nhồi nhét vào bên trong nó, cho dù chúng là gốc rễ của mấy cái rắc rối sau này. Chiếc Caesar Augustus đã sử dụng một vài linh kiện đời mới tốt nhất người ta đã cho phép sử dụng rồi.
Từ động cơ, lò phản ứng năng lượng cho đến vũ khí và nhiều bộ phận khác đều hoạt động khá là ổn áp so với những đối thủ khác. Tuy nhiên, hiệu suất chiến đấu lại tỷ lệ thuận với kích cỡ, cho nên chúng đều chiếm khá nhiều thể tích hơn bình thường. Đối với một chiếc chiến cơ đang cố gắng giữ trọng lượng nằm trong hạng cân hạng trung thì đây rõ ràng là một vấn đề nan giải.
Những gì mà Ves đã học được từ cái kỹ năng phụ Cấu Hình Định Tuyến Cấu Trúc II đã giúp cậu hiểu rõ bản chất vấn đề. Cậu bắt đầu cảm nhận được mục tiêu mà mẫu nguyên bản đã cố gắng đạt được.
Các thiết kế gia thường được thông não khá sớm rằng họ đang học cách chế tạo ra những cỗ máy chiến tranh. Những chiến cơ này không những phải hoạt động tối ưu khi được bảo trì cẩn thận, mà chúng còn phải có khả năng chịu đựng điều kiện chiến đấu khắc nghiệt nữa.
Nếu một chiến cơ bị cắt đứt cánh tay, thì các hệ thống của nó sẽ tự điều chỉnh bằng cách tiến hành kiểm soát thiệt hại. Ví dụ như, chiếc chiến cơ sẽ điều chỉnh lại tư thế cân bằng của nó và ngắt mọi đường truyền đến cái cánh tay bị chém đứt chẳng hạn.
Hoặc nếu như một phát bắn làm ngắt đường truyền năng lượng thiết yếu đến cánh tay, thì chiếc chiến cơ đó sẽ tự điều chỉnh bằng cách đưa dòng điện qua một đường dây dự phòng khác. Tuy những đường dây dự phòng này không thể chịu đựng công suất tối đa, nhưng ít nhất thì cái cánh tay vẫn có thể duy trì các chức năng cơ bản của nó.
Cả phi công lẫn nhà thiết kế chiến cơ đều coi hệ thống dự phòng là một yếu tố quan trọng. Một cách dễ gây hiểu lầm để xác định khả năng hoạt động dự phòng tổng thể của chiến cơ là nhìn vào chỉ số dự phòng của nó, hoặc là RF (Redundancy Factor). Được tính bằng phần trăm, RF biểu thị khả năng chịu đựng sát thương của chiến cơ trước khi nó bắt đầu gặp trục trặc kỹ thuật.
Mọi chiến cơ được Hiệp Hội Thương Mại Chiến Cơ chứng nhận đều phải đáp ứng tiêu chuẩn dự phòng tối thiểu.
Chiến cơ hạng nặng luôn phải đạt tối thiểu là 100% RF. Nó có nghĩa là toàn bộ hệ thống cơ bản của nó có thể chạy song song với các bộ phận khác mà không làm giảm hiệu suất hoạt động của nó. Cách bố trí này thường chiếm khá nhiều không gian bên trong chiến cơ hạng nặng, nhưng vì nó thường hay hứng đạn trên chiến trường, cho nên các phi công luôn muốn chỉ số dự phòng càng cao càng tốt.
Còn chiến cơ hạng trung thì chỉ cần đạt 50% RF là đủ. Các hệ thống thiết yếu như đường dẫn năng lượng giữa lò phản ứng, buồng lái, và động cơ phải luôn có phương án dự phòng hoạt động đầy đủ để có thể chuyển giao năng lượng và dữ liệu khi cần thiết. Còn những hệ thống ít quan trọng hơn thì đành chịu không có phương án dự phòng vậy.
Và cuối cùng là chiến cơ hạng nhẹ luôn phải liệu cơm gắp mắm, cho nên chỉ số RF là 25% cũng đã gây áp lực lên một chiếc hạng nhẹ bình thường. Loại chiến cơ giáp giấy như thế này hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ và khả năng tránh né, cho nên nó cũng không đặt nặng vào hệ thống dự phòng để làm gì. Chỉ cần dính một đòn chí mạng thôi là đủ để phá hủy cả đường truyền chính lẫn toàn bộ đường dự phòng cùng một lúc.
Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố khác quan trọng không kém khi nhắc đến khả năng giảm thiểu tổn thất, mà nổi bật nhất chính là việc phân khoang độc lập. Khi chiến cơ bị trúng đòn ở một nơi nào đó, thì tốt nhất là nó chỉ nên gây ra thiệt hại ở khu vực đó mà thôi. Một cái kết cấu nội tạng lý tưởng nhất sẽ có khả năng ngăn chặn thiệt hại lan rộng ra khắp nơi từ khu vực bị trúng đạn và cả những hậu quả phụ như là phát nổ dây chuyền.
Tương tự như chỉ số dự phòng, bất kì ai muốn MTA chứng nhận chiến cơ thì nó phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về cấu trúc phân khoang độc lập, được thể hiện qua chỉ số ngăn khoang hay CF (compartmentalization factor)
Khác với chỉ số RF có thể lên đến 300%, thì chỉ số CF chỉ đạt mức tối đa trên lý thuyết là 100%. Hiệp Hội MTA đã quy định chỉ số CF tối thiểu cho chiến cơ hạng nhẹ là 10%, chiến cơ hạng trung là 15% và chiến cơ hạng nặng là 50%.
Bất kể chỉ số CF hay RF có ra sao, thì các tiêu chuẩn tối thiểu do Hiệp Hội MTA đề ra chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của các phi công chiến cơ. Những người muốn có một chiến cơ an toàn hơn luôn có thể tìm mua những chiếc có nhiều biện pháp dự phòng hơn.
Ves thật sự sửng sốt khi chứng kiến Jason Kozlowski quyết định cắt giảm luôn cả hai chỉ số CF và RF khi anh chàng đã sử dụng hết không gian bên trong chiến cơ, thay vì giải quyết vấn đề tận gốc bằng cách thay thế các bộ phận thiết yếu bằng những phiên bản nhỏ gọn hơn.
Giữa hai chỉ số này, thì rõ ràng là Jason chuộng chỉ số dự phòng hơn. Anh ta cố gắng giữ nguyên chỉ số đó càng cao càng tốt bằng cách tối ưu hóa cấu trúc bên trong của chiến cơ để tạo thêm chỗ trống.
Nói đơn giản thì anh ta đã loại bỏ các vách ngăn bên trong lẫn các hệ thống kiểm soát thiệt hại chủ động vốn dùng để ngăn chặn các thiệt hại lan ra bên ngoài. Không những thế, mà anh ta còn nhồi nhét thêm nhiều thứ linh tinh vào những vị trí đệm, khiến cho vô số đường dây cáp truyền dẫn lẫn lộn hết cả vào nhau.
“Đúng là một thằng mất não đầy kiêu ngạo.” Ves buông lời chửi thầm. “Nếu nhóm thiết kế của thằng cha Kozlowski có người dám đứng lên phản đối, thì có lẽ cái thảm họa này đã chẳng bao giờ sinh ra rồi.”
Cậu đành phải chấp nhận cái thực tế trước mắt. Do các bộ phận thiết yếu đã chiếm hết phần lớn thể tích bên trong, cho nên Ves buộc phải tìm ra một bố cục hoàn toàn mới để nâng chỉ số CF đang ở mức tệ hại là 17%, trong khi vẫn giữ nguyên chỉ số RF là 85%.
“Một chiếc hiệp sĩ hạng trung được coi là đạt chuẩn nếu chỉ số dự phòng của nó là 100%. Chiếc hiệp sĩ lai cũng thường hay ăn đạn nữa, cho nên chỉ số RF ở mức 50% là không đủ.”
Ves dành ra hẳn ba tuần để thiết kế lại cấu trúc nội tạng của nó sao cho gọn gàng hơn. Cậu bắt tay vào việc bằng cách phác thảo các đường dây đi xung quanh bộ khung bên trong và luồn lách qua những bộ phận chính yếu của chiếc chiến cơ. Các đường dây cáp, đường dây truyền dẫn, hệ thống cơ bắp nhân tạo, và các cấu trúc phụ trợ khác dần dần xuất hiện bên trong các đường nét thiết kế của cậu.
Ngay cả những việc đơn giản này thôi cũng đã làm Ves mệt mỏi bởi vì cậu phải duy trì đồng thời ba hình tượng khác nhau trong tâm trí để xây dựng Yếu Tố X. Ves phải rút ngắn thời gian làm việc xuống còn bốn mươi lăm phút để ngăn không cho tâm trí mình phát điên mỗi khi cậu tập trung quá sức.
Những thay đổi mới mẻ trong thói quen thường nhật đã giúp cậu giảm căng thẳng đáng kể. Ves dần dần bổ sung thêm một vài chi tiết mới lạ vào trong bản thảo thiết kế trong khi lồng ghép những đường dây chính với đường dây phụ. Cho đến khi các khoảng trống bắt đầu lấp đầy bên trong, cậu mới cảm thấy đầu óc mình như bị căng ra hết cỡ. Những lúc thế này, Ves buộc phải sáng tạo và kiên nhẫn hơn rất nhiều để tìm ra giải pháp phù hợp.
Đa phần công việc ở giai đoạn này chủ yếu là thử nghiệm và điều chỉnh. Mỗi khi gặp phải chướng ngại, cậu lại phải thử gần một nghìn phương án khác nhau cho đến khi tìm được một cách không quá tệ mới thôi.
Thế nhưng, nó đồng thời cũng là một bài luyện tập lý tưởng để giúp Ves duy trì một lúc ba hình tượng khác nhau trong đầu. Và rồi hai tuần từ từ trôi qua, Ves đã ngày càng thuần thục hơn trong việc kiểm soát tâm trí của mình.
Cậu không hề tăng chỉ số Trí Tuệ hay chỉ số Tập Trung nào cả. Thay vào đó, Ves chỉ học cách tận dụng tối đa khả năng mình đã có mà thôi.
Trong tuần cuối cùng, Ves đã hoàn thiện hơn 98% kết quả cậu mong muốn. Đáng tiếc thay, hai phần trăm còn lại thì quá là khó để hoàn thành cho hết được. Toàn bộ kết cấu nội tạng đã được tái thiết kế trông gọn gàng và sạch sẽ hơn cùng với nhiều khoảng đệm dự phòng hơn. Sau khi đã sử dụng một vài mẹo đơn giản, giờ đây mẫu thiết kế của cậu đã tiết kiệm được 5% không gian mà còn tăng độ bền tổng thể của nó nữa.
Ves đã nâng chỉ số ngăn khoang lên 29% trong khi vẫn giữ nguyên chỉ số dự phòng ở mức 81%. Nhờ có chỉ số CF tăng mạnh mà mọi thiệt hại trên chiến cơ của cậu sẽ chỉ giới hạn ở những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp mà thôi.
Chiếc Caesar Augustus nguyên bản không phải lo lắng gì nhiều về vấn đề này bởi vì nó đã sở hữu lớp giáp nén hiện đại rồi. Nhưng vì chiếc Marc Antony đang sử dụng hệ thống áo giáp HRF rẻ tiền có thể dùng một lần rồi bỏ, cho nên Ves phải đảm bảo nó vẫn có thể tiếp tục hoạt động kể cả khi nó phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng.
“Sau cả trăm nghìn lần mô phỏng, cuối cùng thì mình cũng đã xử lý xong việc này rồi.” Cậu thở phào nhẹ nhõm sau khi buông lỏng tâm trí vẫn đang tập trung cao độ. Hiện tại thì cậu đã quen với việc duy trì ba luồng suy nghĩ khác nhau rồi, nhưng mà nó vẫn luôn là một thử thách không hề nhỏ.
Cậu đã dồn rất nhiều tâm huyết vào dự án này. Chiếc Marc Antony thế hệ II nhất định phải vượt xa kì vọng của tất cả mọi người để có thể bán ra với doanh thu khổng lồ. Chỉ khi cậu thành công bán được chiến cơ ngoài đời thực thì cậu mới có đủ tiền để làm chuyện lớn. Cho dù cậu có thiết kế bao nhiêu chiến cơ ảo đi chăng nữa, thì nó sẽ không bao giờ mang về hơn một triệu hiện kim bằng đồng bằng cắc trong tay cậu đâu.