Thất lão kiếm
Chương 56: Phách Sơn Quyền
Chương 56: Phách Sơn Quyền
Diệp Thanh hỏi :
- Nhưng thi thể lão nhân đâu? Tại sao chúng ta không thấy?
Nhuế Vĩ đáp :
- Bằng vào hai chữ tọa hóa, ngu huynh quả quyết thi thể của lão phải ở quanh đây thôi. Có điều trong nhất thời, chúng ta không để ý nên không phát hiện!
Diệp Thanh lắc đầu :
- Chẳng có một vật gì quanh đây cả!
Nhuế Vĩ tiếp :
- Chỗ ngồi của lão nhân, đương nhiên là lúc lão ngồi lên thì không có nước chảy. Qua mấy mươi năm dài, thế nước mạnh dần, cuốn đến nơi, tràn ngập chỗ ngồi, lôi thi thể lão theo xoáy nước!
Diệp Thanh gật đầu :
- Chắc vậy rồi! Và những chữ này, do lão dùng ngón tay khắc vào đá!
Nhuế Vĩ "ừ" một tiếng :
- Dùng ngón tay, khắc chữ vào đá, ai làm được như thế hẳn phải có công lực kinh hồn. Có lẽ công lực của lão nhân cao thâm là do lão tập luyện theo bí lục "Huyền Quy". Nhưng, lão chết trước khi tròn trăm tuổi, thì như vậy chẳng hóa ra lão nói ngoa sao?
Chàng tiếp luôn :
- Chính lão đã nói, ai luyện được công phu "Huyền Quy" thì có thể kéo dài tuổi thọ mấy mươi năm kia mà!
Diệp Thanh hỏi :
- Do đâu mà đại ca dám cho rằng lão nhân chết dưới trăm tuổi?
Nhuế Vĩ giải thích :
- Xem dấu mòn của năm chữ đó, ngu huynh nhận thấy chữ khắc ít nhất cũng trên năm mươi năm qua. Năm mươi năm trước, làm gì lão có trăm tuổi?
Diệp Thanh gật đầu :
- Đại ca có lý! Nhưng tại sao lão chết gấp thế? Tôi nghe gia phụ nói, phàm ai luyện công đạt đến mức độ cao siêu rồi, thì có thể sống lâu lắm. Tài nghệ của lão nhân như thế đó, thì hẳn là lão phải sống lâu chứ! Tại sao lại chết dưới trăm tuổi?
Nhuế Vĩ trầm ngâm một lúc lâu, rồi lắc đầu, thốt :
- Ngu huynh chịu thôi! Không làm sao đoán ra duyên cớ! Có thể lão nhân chưa luyện thành công phu "Huyền Quy" hay sao...
Diệp Thanh hỏi :
- Công phu "Huyền Quy" là công phu gì? Chừng như đại ca có biết lão nhân vô danh!
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Ngu huynh không hề gặp lão lần nào. Thanh nhi nên nhớ là lúc ngu huynh chưa sanh ra thì lão đã quy ẩn rồi! Còn tập quyền công phu "Huyền Quy" thì Thanh nhi không nghe Ngọc Diện Thần Bà nói chi hết sao?
Diệp Thanh lắc đầu :
- Lúc đại ca và bà ấy nói chuyện với nhau, thì tôi ngủ khì.
Nhuế Vĩ phải tóm lược sự tình cho nàng hiểu.
Nghe xong, Diệp Thanh lại đi quanh quẩn, mắt ngó láo liên.
Nhuế Vĩ lấy làm lạ, hỏi :
- Thanh nhi tìm gì thế?
Diệp Thanh ngẩng đầu, đáp :
- "Quyển tập Huyền Quy"!
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không tìm được đâu! Đừng phí công vô ích!
Diệp Thanh cãi :
- Sao lại không tìm được? Đại ca lại đây, hiệp với tôi mà tìm. Học được công phu đó, là đại ca trở thành vô địch trong thiên hạ, chẳng phải là một điều sướng sao?
Nhuế Vĩ không ham trở thành thiên hạ đệ nhất nhân, nên đứng ỳ tại chỗ, bất động. Chàng lẩm nhẩm :
- Trở thành đệ nhất trong thiên hạ, phỏng có ích gì?
Diệp Thanh buột miệng thốt :
- Có ích lắm chứ! Lúc đó, có ai dám khinh miệt tiểu muội nữa! Diệp Thanh là tiểu muội của thiên hạ đệ nhất nhân, như thế không oai sao!
Nhuế Vĩ giật mình. Té ra, Diệp Thanh như là vợ của chàng rồi! Nàng có quyền được xem như vậy, chàng dù muốn dù không, cũng chẳng thể phủ nhận.
Diệp Thanh đi dần xuống nước, cúi đầu nhìn. Chỗ đó cách xoáy nước không xa, nếu nàng lơ đãng một chút, sút tay, sẩy chân, nước cuốn đi, đưa vào lòng xoáy là nàng sẽ bị hút đi xa, chẳng biết về đâu.
Nhuế Vĩ lo sợ gọi to :
- Lên gấp! Không có ở đó đâu mà tìm. Quyển bí kíp hẳn phải là ở trong mình lão nhân vô danh, thi thể của lão bị xoáy nước hút xuống sâu, mang theo luôn quyển tập.
Diệp Thanh đáp :
- Nếu quyển tập bị cuốn theo xoáy nước, thì tôi theo xoáy nước mà tìm.
Nhuế Vĩ vừa lo vừa giận, bước nhanh tới, đưa hai tay bị trói chụp tóc nàng, lôi lên, gắt :
- Thanh nhi điên rồi phải không? Chẳng sợ mất mạng hay sao chứ?
Diệp Thanh cương quyết :
- Phải tìm cho được quyển tập đó, đại ca. Tôi chắc nó còn ở đâu đấy, chứ không bị nước cuốn đi đâu hết.
Nhuế Vĩ an ủi nàng :
- Cho dù ngu huynh không phải là người thứ nhất trong thiên hạ, cũng chẳng ai dám khinh thường Thanh nhi đâu, tìm mà làm gì, cho nhọc!
Diệp Thanh mỉm cười :
- Thật sự đại ca không để ai khinh thường Thanh nhi?
Nhuế Vĩ gằn giọng :
- Kẻ nào dám khinh Thanh nhi, kẻ đó phải chết với ngu huynh.
Diệp Thanh cười hì hì :
- Nếu người đó có võ công cao, đại ca đánh không thắng thì sao?
Nhuế Vĩ cứng họng.
Diệp Thanh tiếp :
- Đại ca đâu có nhịn ai, nếu xảy ra cuộc động thủ trong trường hợp đó, thì chính tính mạng của đại ca mới đáng lo ngại. Thanh nhi không bao giờ chịu để cho đại ca lâm nguy vì Thanh nhi đâu. Cho nên, Thanh nhi muốn đại ca trở thành người thứ nhất trong thiên hạ võ lâm.
Thốt xong, nàng tách mình khỏi tay Nhuế Vĩ rồi nhìn ra bốn phía, như tìm vật gì. Dĩ nhiên nàng tìm dấu vết của quyển tập "Huyền Quy".
Nhuế Vĩ lại khuyên :
- Ngu huynh đã bảo, vật đó rất quý, không bao giờ lão nhân vô danh để rời mình lão. Sống thì lão ôm ấp trong người, chết thì lão mang theo. Trừ ra chúng ta tìm được cái xác của lão thì may ra mới có hy vọng quyển tập đó.
Diệp Thanh cho là phải. Tuy vậy, nàng cũng bước xuống nước, đồng thời thốt :
- Tôi quen thủy tánh, đại ca để tôi xuống đó tìm thử.
Nhuế Vĩ hét :
- Lên gấp! Thanh nhi còn ngoan cố, ngu huynh sẽ giận cho đấy!
Diệp Thanh không chịu lên.
Nhuế Vĩ gạt :
- A! Cái gì kia? Lên đây mà xem!
Chàng chỉ hai tay về phía trước mặt.
Diệp Thanh lên liền, rồi theo hướng tay của chàng. Đoạn nàng kêu lên :
- Hay là quyển bí kíp "Huyền Quy"?
Không thấy gì, nàng cho là mắt kém, nên bước tới gần hơn.
Đến gần vách đá, nàng phát hiện có dấu chữ lờ mờ. Bất giác nàng gọi oang oang :
- Lại đây đại ca! Quả có cái lạ!
Nhuế Vĩ gạt, không ngờ lại có thật, lấy làm lạ, vội bước tới xem.
Đúng là nét chữ.
Có hơn trăm chữ, nét mơ hồ, xem không được rõ lắm. Phần ánh sáng lại yếu ớt, Nhuế Vĩ phải vận dụng hết sức mắt mới đọc nổi.
Diệp Thanh hỏi :
- Những chữ gì thế?
Nhuế Vĩ đáp :
- Vô danh lão nhân ghi lại thân thế của lão!
Diệp Thanh trố mắt :
- Thật vậy? Lão họ gì, tên gì?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Đã là vô danh, thì làm gì có họ có tên? Cứ gọi là Vô Danh Thị!
Chàng tiếp :
- Lão cho biết, lão không nhà, không nghiệp.
Diệp Thanh lắc đầu :
- Trên đời, làm gì có người không tên, không họ, không nghiệp! Hay là có mà vì một lẽ nào đó, lão quên mất!
Nhuế Vĩ chớp mắt :
- Hoặc giả lão gặp lệnh tôn, do một sự bất hòa nào đó, lệnh tôn dùng "Ma Tâm Thuật", làm cho lão quên hết họ tên?
Diệp Thanh lắc đầu :
- Vô lý! Lúc lão đến hòn đảo này, thì gia phụ còn là một đứa bé con!
Nhuế Vĩ tiếp :
- Hoặc giả, do một vị trưởng thượng của lệnh tôn?
Diệp Thanh trầm ngâm một lúc :
- Gia quyến tôi chuyên dùng "Ma Tâm Thuật", thuật đó là gia truyền, thì cái điều đại ca vừa nêu ra đó, cũng dám có lắm. Tuy nhiên, mình chưa thể quả quyết được đại ca ạ. Sau này mình sẽ tra cứu, bây giờ, đại ca cho biết tiếp về thân thế của lão đi!
Nhuế Vĩ tiếp :
- Sau khi thọ thương nặng, lão phiêu lưu đến đây, tự nghĩ sống không bằng chết, lão nhảy xuống biển tự tử. Ngờ đâu, nước cuốn lão vào động này.
Diệp Thanh thốt :
- Có lẽ nào nhảy xuống biển phía đáy hồ lô nên mới còn sống sót. Chứ nếu mang trọng thương mà nhảy xuống ở phía miệng hồ lô như chúng ta, thì lão đã mất mạng ngay từ lúc đó!
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Có lý! Vào đây rồi, lão tỉnh lại.
Diệp Thanh hỏi :
- Tỉnh lại rồi, lão phát hiện ra quyển tập "Huyền Quy"?
Nhuế Vĩ tiếp :
- Phải! Lão lật qua vài trang xem thử, thấy hay hay, bèn y theo phương pháp, tập luyện. Nhờ tập luyện, lão bảo trì được sanh mạng, đi đứng như thường.
Lúc đó thì lão không còn cho là sống không bằng chết nữa.
Diệp Thanh mỉm cười :
- Quyển sách đó là thứ sách tiên mà!
Nhuế Vĩ tiếp :
- Tuy nhiên, lão vẫn suy nhược, sau đó nhờ ăn thứ cá trên suối lạnh của chúng ta, lão mới khôi phục thể lực.
- "Ăn thứ cá như chúng ta!" - Diệp Thanh thẹn đỏ mặt, hỏi - "Ăn thứ cá đó, làm sao lão chịu nổi..."
Nàng không nói thêm được gì.
Nhuế Vĩ cười, đáp :
- Chỉ có những người có công lực dồi dào như chúng ta mới bị kích thích.
Và chỉ bị kích thích trong thời gian đầu thôi, dần dần quen đi, tất cá đó không còn công hiệu nữa, cho nên lão chẳng sao cả trong lúc đầu, và khi công lực được khôi phục như cũ thì lão đã quen rồi. Chứ làm gì mà có nữ nhân ở lại đây giúp lão thỏa mãn sự đòi hỏi của xác thịt?
Chàng tiếp :
- Công phu luyện thành rồi, lão nhân thấy thời gian thừa thãi quá, ngồi nhàn mãi cũng chán, nhất là ngồi trong động tối. Lão bèn trở lên mặt đảo. Sau đó gặp thuyền, lão vào luôn Trung Nguyên đem tài ba can thiệp bất bình, gây thù chuốc oán, bệnh cũ lại thời thường tái phát, sau khi được Hồ Nhất Đao nuôi dưỡng tại Bạch bảo, lão quay trở lại hòn đảo này. Không bao lâu, lão quy tiên.
Pho bí kíp, lão cất giữ trong mình.
Diệp Thanh tặc lưỡi :
- Thế là pho bí kíp theo thi thể lão chìm sâu nơi xoáy nước!
Nhuế Vĩ tiếp :
- Sở dĩ lão không chôn giấu quyển bí lục "Huyền Quy" ở một nơi, mà lại giữ trong mình là cốt ý chờ một người hữu duyên vào lọt nơi đây, lấy nó mà luyện những môn công huyền diệu, sau đó thành toàn cho lão một việc. Không ngờ, nơi này về sau lâu, bị nước tràn ngập, lôi cuốn thi xác của lão đâu mất.
Diệp Thanh hỏi :
- Thành toàn cho lão việc gì?
Nhuế Vĩ đáp :
- Truy nguyên thân thế của lão. Lão cho biết, trên mình lão có một dấu màu xanh, hình bán nguyệt, giữa ngực.
Diệp Thanh thốt :
- Có dấu vết như vậy, thì cũng dễ truy nguyên...
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không dễ đâu. Nếu đã dễ, thì chính lão đã truy ra rồi.
Bỗng Diệp Thanh ụa lên mấy tiếng.
Nhuế Vĩ kinh hãi, hấp tấp hỏi :
- Sao thế Thanh nhi? Bệnh?
Diệp Thanh lắc đầu :
- Không phải bệnh. Tôi chỉ muốn mửa thôi. Mửa được là khoan khoái trong mình liền.
Nhuế Vĩ thở phào, thốt :
- Để ngu huynh đi lấy nước cho Thanh nhi súc miệng.
Trước mặt chàng, nơi vách đá, có một lỗ trũng, có nước mát trong xanh, lỗ trũng đó ăn thông vào sâu trong vách đá, trong nước có loại cá lạ lội tung tăng.
Chàng đưa Diệp Thanh đến đó, vốc tay lấy nước cho nàng súc miệng. Nhuế Vĩ hỏi :
- Bỗng dưng mà nôn mửa như vậy, có quan hệ chi chăng?
Diệp Thanh mỉm cười :
- Đại ca tinh thông y thuật, đáng lẽ phải giải thích cho tôi hiểu chứ, sao lại hỏi tôi?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Ngu huynh học y thuật, chỉ nghiên cứu về mặt trị độc, trị thương...
Diệp Thanh tiếp :
- Có lẽ vì tôi ăn cá sống, nên nôn mửa chứ gì? Ăn hơn tháng nay rồi, không nôn nao, sao hôm nay lại nôn?
Nhuế Vĩ thốt :
- Ăn cá sống không được nữa, thì chúng ta lên bên trên đảo, có lửa có củi, nấu chín mà ăn.
Khi lên được bên trên rồi, họ nhìn quanh, chợt thấy một chiếc thuyền to neo dựa bờ.
Diệp Thanh mừng rỡ, kêu rối rít :
- Thuyền từ đâu đến đó! Hay là Ngọc Diện Thần Bà trở lại Trung Nguyên rồi đem thuyền lớn ra đây?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không phải đâu! Thanh nhi quên nhanh quá! Con thuyền này của Âu Dương Long Niên mà!
Diệp Thanh kinh hãi, nhìn kỹ hơn, run giọng thốt :
- Đúng rồi đại ca! Thuyền của lão ấy!
Bỗng tiếng hét, tiếng la vang dội đến tai họ, nhưng họ chẳng thấy bóng dáng một người nào.
Bởi con thuyền lớn neo chỗ eo hồ lô, che khuất phần còn lại của đảo. Tiếng hét la từ phía bị che khuất vọng lại.
Nhuế Vĩ và Diệp Thanh chạy gấp đến nơi.
Trước mắt họ hiện ra năm người. Ngọc Diện Thần Bà đối lập với Âu Dương Long Niên. Sau lưng Âu Dương Long Niên là Âu Dương Ba. Sau lưng Ngọc Diện Thần Bà là Hồ Cáp Na và Giản Hoài Quyên.
Diệp Thanh thốt :
- Họ còn ở đây chờ chúng ta! Chúng ta đến gấp đại ca!
Nhuế Vĩ cản :
- Đừng vội. Thần bà và Âu Dương Long Niên đang đấu đến hồi khẩn yếu, nếu chúng ta chạy đến bây giờ, thì có hại cho Thần bà, mình phải tránh gây rối loạn tâm thần cho bà, Thanh nhi ạ.
Phía sau, Âu Dương Ba cùng Hồ Cáp Na và Giản Hoài Quyên nghinh mắt nhìn nhau, giả như họ chỉ liếc xéo qua một chút, là thấy Diệp Thanh và Nhuế Vĩ, song họ chú hết tâm thần, ghìm nhau, nên chẳng ai phát hiện ra cả hai.
Một lúc lâu, bỗng Âu Dương Long Niên hét lên một tiếng, đảo bộ lướt tới, vung tay phóng một chưởng sang Ngọc Diện Thần Bà.
Chiếc gậy không có nơi tay, Ngọc Diện Thần Bà dùng tay không đón chiêu của địch.
Chưởng của Âu Dương Long Niên là công, chưởng của Ngọc Diện Thần Bà là thủ, công phải nhanh và mạnh hơn thủ, song chưởng chạm nhau, Thần bà lùi lại một bước.
Âu Dương Long Niên công luôn ba chưởng, Ngọc Diện Thần Bà lùi luôn ba bước.
Âu Dương Long Niên không ngừng tay, đánh ra trọn bộ "Âm Dương Tán Thủ Pháp" gồm mười ba chưởng.
Ngọc Diện Thần Bà thiếu gậy, không phản công được, đành lùi luôn đủ mười ba lượt.
Đánh xong mười ba chưởng, Âu Dương Long Niên lùi ra, tạo khoảng cách giữa song phương độ hai trượng, rồi đối lập với Ngọc Diện Thần Bà.
Họ nghinh nhau như thế một lúc nữa.
Sau đó, Âu Dương Long Niên bắt đầu cuộc tái tấn công, cũng mười ba chưởng, nhưng nhanh hơn lần trước.
Ngọc Diện Thần Bà phòng thủ kín đáo hơn trước.
Diệp Thanh thấy Ngọc Diện Thần Bà lùi mãi, gọi khẽ Nhuế Vĩ :
- Đến tiếp trợ Thần bà gấp đi, đại ca! Tôi sợ Thần bà bại quá!
Nhuế Vĩ lắc đầu, trấn an nàng :
- Không sao đâu! Thế thủ của Thần bà vững lắm, Âu Dương Long Niên không làm gì nổi bà đâu!
Chàng nghĩ, Ngọc Diện Thần Bà chỉ thủ chứ không công, hẳn phải có dụng ý, nếu bà phản công thì chắc là lợi hại lắm.
Chàng có biết đâu, trước đó Ngọc Diện Thần Bà đã tấn công rồi, song bà không làm gì được đối phương, nên bây giờ bỏ công, lấy thế thủ.
Một lúc sau, Âu Dương Long Niên lại công mười ba chiêu nữa.
Ngọc Diện Thần Bà cứ thủ, thế thủ vẫn vững chắc như trước. Bà lùi đủ mười ba bước. Không có một hiện tượng nhỏ nào chứng tỏ bà kém thế.
Nhuế Vĩ lấy làm lạ, tự hỏi tại sao Ngọc Diện Thần Bà cứ thủ mãi chứ không phản công. Chàng vốn muốn bước tới tiếp trợ, nhưng Thần bà chưa có vẻ bại, làm sao chàng can thiệp được? Can thiệp không đúng lúc là làm bại hoại thinh danh của bà! Khách giang hồ rất kỵ điều này.
Nghỉ một lúc, Âu Dương Long Niên lại công. Lần này lão đánh ra hai mươi sáu chiêu.
Ngọc Diện Thần Bà lùi lại hai mươi sáu bước.
Từ chỗ bà đứng hiện tại đến mé đảo, chỉ còn ba trượng nữa thôi. Bà lùi, Hồ Cáp Na và Giản Hoài Quyên đứng sau lưng bà, cũng phải lùi theo. Nếu bây giờ bắt buộc phải lùi nữa, thì cả hai chỉ còn có nước là lùi xuống biển.
Âu Dương Ba đứng sau lưng cha, trước tiến tới, sau tiến theo, hiện tại hắn đắc ý, cười hì hì mãi.
Diệp Thanh tức uất, mắng thầm :
- "Có cái gì đáng cho ngươi cười đâu! Ta chỉ sợ khi Thần bà phản công, thì có cho ngươi tiền, ngươi cũng hết cười nổi!"
Bây giờ, Nhuế Vĩ bắt đầu hoài nghi. Chàng nghĩ :
- "Thần bà không phản công, có lẽ là bà vô phương phản công!"
Quả thật, Ngọc Diện Thần Bà hết phương phản công!
Nước ngọt thì có suối lạnh đó, không đáng lo gì, nhưng lương thực dự trữ có giới hạn, dùng mãi mà không bồi bổ thì phải kiệt, tiết giảm khẩu phần hằng ngày bao nhiêu đi nữa, cũng phải kiệt.
Không ai muốn rời hòn đảo. Thần bà thì hy vọng Nhuế Vĩ tìm được tập quyển "Huyền Quy", còn Giản Hoài Quyên và Hồ Cáp Na thì sợ Nhuế Vĩ gặp nạn, nên cũng lưu lại chờ.
Họ chờ mãi hơn một tháng, Nhuế Vĩ vẫn chưa trở lên. Và hai hôm rồi, cả ba cùng nhịn đói, chỉ uống nước lấy no. Cho nên, công lực của Ngọc Diện Thần Bà suy giảm phần nào. Đúng lúc đó, Âu Dương Long Niên lại đến.
Âu Dương Long Niên đinh ninh là Thần bà đã tìm được quyển bí lục, vừa gặp bà là đánh liền, chỉ cần đánh ngã bà là có quyển bí lục ngay. Lão không hỏi han gì cả.
Còn Ngọc Diện Thần Bà thì cao ngạo thành tánh, Âu Dương Long Niên động thủ, bà nghinh chiến ngay, không hỏi han chi hết.
Cả hai bất chấp tìm hiểu nguyên nhân đánh nhau của đối phương.
Song phương tài lực tương đồng, nhưng về sức khỏe, thì một bên suy giảm, một bên dồi dào, dù Thần bà có thủ vững đến đâu, cuối cùng bà cũng phải bại.
Âu Dương Long Niên chỉ chờ có thế, nên kéo dài cuộc đấu, không cần phí công thắng vội.
Qua một cơn suy đoán. Nhuế Vĩ thức ngộ sự tình.
Và đúng lúc chàng bắt đầu hiểu, Âu Dương Long Niên lại tấn công.
Hiện tại, sau lưng Ngọc Diện Thần Bà, chỉ còn hai trượng nữa là đến mé đảo. Bà còn lùi được vài bước, nhưng sau đó thì sao? Bà lùi được, còn Hồ Cáp Na và Giản Hoài Quyên làm sao lùi?
Một chưởng, rồi một chưởng, rồi một chưởng nữa.
Âu Dương Long Niên đã xuất phát ba chưởng, Ngọc Diện Thần Bà lùi lại ba bước.
Âu Dương Long Niên mừng.
Ngọc Diện Thần Bà vừa lùi vừa lấy được một quyết định liều lĩnh, vận dụng toàn công lực còn lại, giành cái thắng trong cái bại.
Bà chờ cơ hội...
Bà lùi thêm một bước nữa. Bây giờ thì đã đến lúc bà hết lùi lại được rồi.
Phía này, Giản Hoài Quyên và Hồ Cáp Na, phía kia Diệp Thanh cùng kêu lên kinh hãi :
- Nguy!
Đồng thời gian, Nhuế Vĩ lướt tới, hai tay vẫn còn bị cột chùm, chàng hoành qua một bên quét một quyền ngang hông Âu Dương Long Niên.
Nhưng, một Âu Dương Long Niên. Dù trong tình thế nào cũng không thể bị hạ một cách lén lút như vậy. Nghe tiếng gió lạ từ phía sau lưng cuốn tới, lão phi thân vút lên không, đáp xuống ngoài xa tầm quyền của Nhuế Vĩ.
Vận dụng toàn lực đánh chiêu quyền đó, đánh hụt, Nhuế Vĩ mất thăng bằng nhào lộn. Quyền còn dư lực, thân mình nhào mạnh, chàng rơi xuống đất vang lên một tiếng ầm, cát đá văng tứ tung.
Không chậm trễ, chàng mượn đà rơi, quật mình trở lên, vừa đứng thẳng, chàng phóng luôn liên hoàn cước theo bộ pháp Phi Long.
Thấy công lực phi thường của Nhuế Vĩ, Âu Dương Long Niên đinh ninh chàng đã luyện được công phu "Huyền Quy" rồi, nên không dám nghinh chiến, hấp tấp lùi tránh.
Nhuế Vĩ phấn khởi tinh thần, lại phóng tiếp một ngọn cước. Cước phóng ra, quyền tiếp nối, trên dưới hiệp công, gây hoang mang cho Âu Dương Long Niên, lão chẳng hiểu hư thực như thế nào, thành thử lui tránh, xa hơn không dám hoàn thủ.
Qua một lúc, Nhuế Vĩ đã đánh ra hơn một trăm quyền, Âu Dương Long Niên lùi hơn một trăm bước.
Mỗi lần đánh hụt, Nhuế Vĩ nhào xuống, đập vỡ mặt đá, tạo thành một lỗ hổng to. Đánh hơn trăm lần, chàng tạo hơn trăm lỗ hổng.
Bây giờ, Âu Dương Long Niên cho rằng dù chàng có công lực cao thâm đến đâu, công lực đó cũng phải tiêu hao. Đã đến lúc lão phản công. Lão bèn đánh ra một chưởng. Lão thấy rõ chỗ sơ hở của Nhuế Vĩ, đinh ninh là chưởng đó phải trúng, Nhuế Vĩ phải ngã.
Nhưng lão ta nghi ngờ chàng đã luyện được công phu "Huyền Quy" lại ngán. Thành ra, chưởng xuất phát nửa chừng, lão do dự, tay hơi chậm.
Lợi dụng cơ hội đó, Nhuế Vĩ vung quyền liền.
Âu Dương Long Niên không thu tay kịp.
Song chưởng chạm nhau, Âu Dương Long Niên rú lên :
- Nguy!
Thân hình lão như quả cầu, tung lên...