Mắt Bồ Đề
Chương 7: Bãi Đồ Cổ
Chương 7: Bãi Đồ Cổ
Edit + Beta: Cam Cam Một Màu Xanh
...........
Dương Quan cách Đôn Hoàng bảy mươi km, đến cũng đã đến rồi, không thể nào ăn xong bữa cơm là đi. Lâm Tầm Bạch đề nghị đi dạo một vòng trong khu thắng cảnh, Tiêu Khản đồng ý.
Năm Hán Vũ Đế Nguyên Đỉnh, ở Hà Tây đã chia ra bốn quận căn cứ theo hai cửa ải, hai cửa ải này chính là Ngọc Môn Quan và Dương Quan. Dương Quan nằm ở mặt phía Nam Ngọc Môn Quan nên mới được đặt tên là Dương Quan, cũng là con đường phải đi qua trên Con Đường Tơ Lụa phía Nam.
Dương Quan giờ đây đã được xây dựng bảo tàng lịch sử mới, dựng cổng chào Hán Khuyết, còn có cửa thành giả cổ. Mà di tích Dương Quan chân chính trên thực tế chỉ còn lại một vùng khói lửa hoang vu.
Vừa đến khu thắng cảnh, Lâm Tầm Bạch phát huy ngay ưu thế của hướng dẫn viên du lịch, miệng lưỡi lưu loát giảng giải.
“Thấy một mảng hoang mạc bây giờ vậy thôi chứ khác với hồi xưa. Vừa có ruộng trũng ẩm ướt, vừa có kênh Tây Thổ, nguồn nước rất sung túc, còn được gọi là nơi dựa vào nước tạo ải, theo sông tạo mối nguy. Do sau này có chiến loạn và khai hoang quá độ nên sinh thái nơi đây mới bị phá hủy.”
Anh vừa nói vừa dẫn các cô đi về cánh Bắc núi Đôn Đôn: “Một tuyến Dương Quan đến Ngọc Môn Quan ở thời Hán có Vạn Lý Trường Thành liên kết, cách mấy chục dặm toàn mang khói lửa ụ đài*. Hiện giờ chẳng còn gì nữa, chỉ xót lại một thứ này gọi là ‘Tai Mắt Dương Quan’, cũng là điểm cao của Dương Quan. Đứng trên ụ đài, dẫu cho cách gần trăm dặm vẫn thấy được rõ rành.”
*Ụ đài: đề cập đến phần cơ bản của một ngôi nhà hoặc cột. Đầu thời nhà Thanh, tại các điểm biên giới của các tỉnh thành lập doanh trại có ụ đài.
Nói là núi Đôn Đôn thế thôi chứ thật ra nó chỉ là một khối cao nguyên nhô lên, nhưng đối với sa mạc nhìn một lần là thấy sạch, dĩ nhiên độ cao đến vậy đã đủ dùng.
“Cô xem, một bãi cát lớn nhìn không thấy đầu kia chính là ‘Bãi Đồ Cổ’.” Lâm Tầm Bạch nói như vậy.
Tiêu Khản biết Bãi Đồ Cổ, nghe nói kha khá người nhặt được miếng ngói bằng gốm cũng như tiền cổ và binh khí ở đó. Ca Trương bảo lúc Bãi Đồ Cổ vừa mới được phát hiện, người bản địa có câu nói “vào Bãi Đồ Cổ, tay không không quay về”. Về sau người tìm bảo vật nhiều hơn, ước gì quật xuống sâu tới ba thước đất. Giờ đây lại tới, e đã là “vào Bãi Đồ Cổ cũng tay không mà về.”
(P1)
“Còn nguồn gốc của những món đồ cổ đó thì sao?” Yến Sơn Nguyệt, người một mực đi theo phía sau bọn họ, bỗng nhiên đặt câu hỏi.
Vấn đề này rất thú vị, người ta bảo nơi này là chỗ hiểm yếu của Con Đường Tơ Lụa, bởi vậy ngàn năm qua có vô số thương nhân ra vào, không thể thiếu vật phẩm thất lạc. Song, hành lang Hà Tây dài hơn chín trăm km, Đông tới Đèo Ô Sao, Tây đến Ngọc Môn Quan; đi tắt qua các vùng Trương Dịch, JYG; không có lý khi đồ đạc tụ tập hết ở chỗ Dương Quan này.
“Ngược lại tôi lại từng nghe thấy một cách nói.” Lâm Tầm Bạch trả lời, “Thời triều Đường, có một vị công chúa lấy chồng xa để kết giao với Vu Điền. Đội ngũ đưa dâu mang theo đồ cưới phong phú xuất phát từ Trường An, đi một mạch tới Dương Quan, chờ Vu Điền và phái đoàn đến đón công chúa. Dè đâu ban đêm cuồng phong gào thét, trời tối đất tối mù, cát vàng thổi suốt bảy ngày bảy đêm, chôn sạch toàn bộ đội ngũ đưa dâu dưới cồn cát, chẳng bao giờ thấy bóng dáng nữa. Từ đó về sau, mỗi khi gió cát nổi lên, nó toàn thổi ra một tầng cát đá, lộ ra một ít đồ là của hồi môn rải rác. Dần dà nơi này biến thành Bãi Đồ Cổ.”
“Chẳng phải bức bích họa các cô muốn tìm mất tích chỉ vì bão cát nổi lên sao? Con người thật nhỏ bé khi đối mặt với thiên nhiên, làm mất ba thứ đồ này là nhỏ, mất mạng mới là lớn!”
Anh khom lưng, từ trên mặt đất nắm lấy một vốc cát đá thô ráp, đầu ngón tay buông lơi, cát đất tan theo gió.
Tiêu Khản ngoái trông theo dòng chảy nhúm cát, hơn hai mươi cồn cát lớn chực sống lưng xếp thành từng đường gờ cát ở phương xa, đan xen với cồn cát hệt sóng biển ngưng kết, phác họa ra đường cong trập trùng.
Dường như cô đang tự hỏi cái gì.
Lâm Tầm Bạch có mấy phần ngóng trông.
“Ngày mai xuất phát lúc mấy giờ?” Cô quay đầu lại hỏi.
“Hả?”
“Tôi hỏi khi nào tới Gia Dụ Quan, tìm con gái Sa Vệ.”
Quả nhiên không đùa.
“Vừa rồi cô còn nói không nhất định phải tìm, chẳng lẽ là lừa thím tôi?” Lâm Tầm bĩu môi, “Tôi cho rằng đã giúp cô xong rồi.”
(P2)
“Hai ngày đùa giỡn mồm mép coi như giúp tôi?” Tiêu Khản liếc anh.
“Giúp cô hết hy vọng cũng là giúp đấy.”
Anh thừa nhận dưới tình thế cần kíp mình đã đồng ý giúp Tiêu Khản tìm bích họa, tuy nhiên việc này hoàn toàn không thực tế, chẳng phải anh nói nhiều như vậy để cho cô biết khó mà lui sao?
“Tôi có thể chấp nhận lời khuyên, nhưng điều kiện tiên quyết là… thuyết phục được tôi.” Cô nói.
“Ròng rã 25 năm mà cảnh sát cũng tìm không được thứ đó, cô đi tìm? Xác suất nhỏ như vậy còn không phải là lý do?”
Tiêu Khản đeo kính râm vào, ngăn cách tất cả các thứ tầm thường: “Trước giờ trên đời này có là người giỏi tột cùng hay là chuyện ghê gớm đều mang xác suất nhỏ.”
Lâm Tầm Bạch dời về phía sau vài bước, nghiêng đầu hỏi Yến Sơn Nguyệt: “Cô ấy luôn tự tin đến vậy sao?”
Trong nhận thức của Yến Sơn Nguyệt, đại khái Lâm Tầm Bạch vẫn còn hình tượng của một bình hoa. Để cho anh dễ hiểu, cô nàng đưa ra một ví dụ.
“Nếu anh là một món đồ cổ, cô ấy có thể đào anh ra khỏi Châu Phi để bán cho Bắc Cực.”
Đúng là phổ thông dễ hiểu!
------
Từ Đôn Hoàng đến Gia Dụ Quan cần năm tiếng lái xe, giữa chừng ít nhất thêm xăng dầu một lần. Lâm Tầm Bạch đề nghị xuất phát sớm một chút, buổi trưa ăn một bữa cơm, nghỉ ngơi một chốc tại khu dịch vụ, đảm bảo buổi chiều có thể tới.
“Chú họ tôi nói thôn Họ Sa ở mặt phía Tây Bắc của Gia Dụ Quan. Chúng ta không vào thành phố, trước tiên xuống cao tốc, khu vực núi ít người, đoán chừng còn cần hỏi lại đường.”
Xem hành trình là biết không kịp trở về cùng ngày, Tiêu Khản đơn giản lấy mấy món đồ vệ sinh cá nhân và quần áo giặt giũ bỏ vào trong một cái ba-lô. Lâm Tầm Bạch là con trai, mang theo ít đồ hơn cô. Nhưng xuất phát từ nỗi lo âu về an toàn, anh đặt hai thùng nước khoáng và một ít lương khô ăn nhanh trong cốp xe.
(P3)
Mặt trời Tây Bắc mọc muộn, khi họ xuất phát, ánh sáng từ vòm trời chẳng có mấy.
Tiêu Khản luôn luôn ngủ trễ dậy trễ. Hậu quả của việc bị ép dậy sớm là cô hoàn toàn không vực nổi tinh thần, thế là cô nằm ngang ở hàng ghế sau, triệt để xem Lâm Tầm Bạch như tài xế.
Hành trình từ tốn, một mình lái xe thật sự ngột ngạt, Lâm Tầm Bạch câu có câu không tìm chủ đề nói chuyện.
“Tại sao bà chủ Yến không đi với chúng ta?”
“Cô ấy không thích ra ngoài.”
“Tính cách hai người chênh nhau lớn thế thì sao quen nhau được?”
“Chẳng phải quen nhờ cùng kiếm tiền một chỗ à.”
“Vậy lần này cô tìm bích họa cũng vì tiền?”
Là một người mối lái, nói chuyện phiếm với mọi người là cách giao tiếp không thể thiếu, thế nhưng nó dùng để sinh lợi chứ nào để trò chuyện hoài công. Vậy nên cô trở mình, hỏi ngược lại anh: “Có phải lần trước anh tới động Ngàn Phật chưa xem đã ghiền nên giờ muốn tới lần nữa?”
Vấn đề này đột ngột khiếm Lâm Tầm Bạch nhất thời không thể lý giải.
“Bích họa trong động nhiều lắm, lời… líu lo của anh không lo thiếu đâu.”
“...”
Đến giữa trưa, Lâm Tầm Bạch dừng lại ở một khu dịch vụ. Trước tiên anh đánh thức Tiêu Khản đang ngủ say, kế đó tiếp nhiên liệu cho xe, hai người đơn giản ăn bát mì. Trong lúc đó Tiêu Khản đưa mắt nhìn thời giờ, Lâm Tầm Bạch đoán cô sốt ruột nhưng lái xe lúc rệu rạo tuyệt đối là điều không được khuyến khích. Anh thăm dò hỏi một câu.
“Bà chủ Tiêu, nếu cô sốt ruột, có thể đổi cho tôi nửa tiếng đồng hồ, tôi nghỉ ngơi một chút là được.”
Tiêu Khản ác nghiệt từ chối anh.
“Tôi không biết lái xe.”
Đây cũng là chuyện Lâm Tầm Bạch trăm triệu lần không nghĩ tới.
Anh nghỉ ngơi một lát rồi lại lần nữa lên đường. Qua thành phố Ngọc Môn đã cách mục tiêu không xa, khi xuống cao tốc rồi, anh hỏi đường đôi lần, rốt cuộc vững vàng đưa Tiêu Khản đến thôn Họ Sa.
(P4)
Thời đại phát triển, thôn làng xuống dốc là đợt thủy triều không thể tránh khỏi. Những người trẻ tuổi đi ra ngoài làm việc, để lại trong thôn không phải người già cũng là trẻ em. Con đường ở cổng thôn mới được xây dựng, phẳng lì và mở rộng, thế mà vừa rẽ ngoặt vào trong thôn lại biến thành đất cát.
Xe vừa mới dừng, chỉ thấy hai đứa nhỏ từ xa chạy tới áng chừng năm sáu tuổi, còn chưa đi học. Tụi nó tò mò đi vòng quanh xe, Lâm Tầm Bạch trông thú vị bèn hớn hở mở cửa xuống xe.
Ai ngờ hai đứa nhỏ vừa nhìn thấy anh là vẻ mặt tràn đầy điều mới lạ đã bay biến.
“Không phải cha nga*.” Một đứa bé trai trong đó lắc đầu, nói với cô nhóc bên cạnh, “Ông nga nói cha nga phải san năm mới về, cha của cậu cũng hệt vậy.”
*Nga: (từ địa phương) có nghĩa là tôi, mình, tớ, chỉ bản thân người nói.
“Cha nga sẽ hông về đâu.” Cô bé trông trưởng thành hơn, cũng hiểu chuyện hơn đôi chút, “Mẹ nga bảo ông ấy tới Đổng Hoàng một chuyến và mất tích.”
(nghĩa là: “Cha tớ sẽ không về đâu.” […] “Mẹ tớ bảo ông ấy tới Đôn Hoàng một chuyến và mất tích.”)
“Cha cậu tới xã mạc làm cái dì?”
(nghĩa là: “Cha cậu tới sa mạc làm cái gì?”)
Cô bé lắc đầu: “Hông hiểu, mẹ nga nói đi theo một người đàn ông nọ chỉ biết ăn, cả đời toàn gặp cảnh túng quẫn!”
(nghĩa là: “Không biết, mẹ tớ nói đi theo một người đàn ông không có tương lai, cả đời toàn gặp cảnh túng quẫn!”)
Gia Dụ Quan sát bên Tửu Tuyền, có nói thì cũng dùng tiếng địa phương Tửu Tuyền. Tiêu Khản nghe chẳng hiểu mô tê, hai tay chắp sau lưng, ra lệnh cho đứa bé: “Nói tiếng phổ thông.”
Bọn nhỏ ngẩng đầu nhìn cô, còn mơ hồ hơn cả cô.
Lâm Tầm Bạch nhìn ra, có lẽ lúc cô giao tiếp với người khác thì khéo léo đấy, nhưng hoàn toàn không biết nói chuyện với con nít! Anh lấy mấy viên kẹo ra khỏi ba-lô, ngồi xổm huyên thuyên giao lưu với tụi nó, kế đó lại đưa kẹo sang.
Cô bé không nhận kẹo, ngược lại cậu bé thiếu thông minh hơn chút, cứ vậy cầm kẹo chạy về phía trước.
“Nó dẫn chúng ta đi tìm ông mình.” Lâm Tầm Bạch đứng dậy nói với Tiêu Khản, “Ông nội nó là trưởng thôn.”
Tiêu Khản hừ một tiếng: “Câu này tôi nghe hiểu.”
Lâm Tầm Bạch sờ mũi, không lên tiếng.
Con đường nhỏ trong thôn khúc khuỷu ngoắt ngoéo, có bằng phẳng, có lồi lõm. Chú bé chạy nhanh mà Lâm Tầm Bạch đuổi theo cũng nhanh, làm Tiêu Khản, người bị ăn một vố, theo phía sau. Cuối cùng cô cũng đến nơi.
(P5)
Một vòng tường thấp bao lấy căn nhà gạch lớn có bốn gian phòng, tường ngoài vừa trắng vừa sáng, đầu tường treo bắp phơi khô cùng với một dãy ớt. Có một bà lão phơi quần áo trong sân, cậu bé vòng qua bà rồi chui vào phòng chính. Chỉ chốc lát sau nó đã kéo một ông cụ đang hút tẩu đi ra.
“Ông nga cái gì cũng hiểu!”
Lâm Tầm Bạch nghiêng đầu với Tiêu Khản, ý bảo cô có chuyện gì thì tự mình hỏi. Tiêu Khản biết anh cố ý.
Vì vậy cô nói thẳng: “Thôn của mấy ông có thiếu người đàn ông nào không? Hắn có…”
“Úi úi úi…”
Lâm Tầm Bạch oai oái kêu to, tranh thủ thời giờ kéo cô ra. Tiêu Khản mơ hồ nghe được những từ “Sa Vệ”, “bích họa”, xác định anh ta không nhân cơ hội bịa chuyện nhảm nhí mới đủng đỉnh ngồi xuống bên cạnh.
Đấu với cô?
Sợ là anh ta quên ai mới là sếp rồi.
Ngặt nỗi biểu hiện của Lâm Tầm Bạch càng lúc càng nặng nề làm cô chẳng rõ tình huống. Cuộc đối thoại kết thúc, anh xoay người lắc đầu với Tiêu Khản: “Ông ta bảo Sa Vệ đúng là người nơi này, cũng có một người con gái tên là Sa Tuyết, nhưng đã không còn ở đây nữa.”
“Không ở đây, vậy đi đâu?”
“Trưởng thôn nói sau khi Sa Vệ xảy ra chuyện đã để lại một đứa bé gái ở trơ trong nhà. Người trong thôn thấy cô bé đáng thương, nhà bên Đông cho một chén, nhà hướng Tây cho một miếng, cũng xem như nuôi con bé lớn. Thế mà 15 năm trước trong thôn có mấy tên buôn người, bắt cóc con bé và một cô gái khác, sau đấy không còn tin tức gì nữa.”
(P6)
Ông cụ trông thấy bọn họ đang trao đổi lại khoa tay múa chân cho hay: “Con bé đó nhọn lắm, không phải dạng sĩ ba can như cha nó. Mọi thứ đầy lộng sộn ầm ỉ, mệt đau dữ lắm!”
Lâm Tầm Bạch phiên dịch: “Ông ấy nói Sa Tuyết rất thông minh, khác với dạng lòng dạ không ngay như cha mình, cho nên làm cho người ta đau lòng.”
Nhưng thông minh thì có ích lợi gì, không phải vẫn bị người ta bắt cóc à.
Tiêu Khản không đan tâm bèn truy vấn: “Vậy mẹ của cô bé thì sao, chạy đi rồi và không trở về nữa?”
“Sa Vệ bị bắt xong là bà ấy chạy ngay.” Lâm Tầm Bạch vừa bảo lại lẩm bẩm hỏi ông cụ. Được khẳng định, anh gật đầu, “Đúng vậy, chưa bao giờ trở về nữa.”
“Chạy từ lâu dồi!” Bà cụ ở một bên đột nhiên tiếp lời, “Lúc bị bắt là chạy ngay.”
“Sao bà biết?” Ông cụ hỏi bà vợ nhà mình.
“Hai vợ chồng la hớt rồi gõ búa, đương nhiên nga hiểu rõ. Vợ nó tức thường, đã chạy luôn mà không thèm cả đứa bé.”
(nghĩa là: “Hai vợ chồng cãi nhau rồi đánh nhau, đương nhiên tôi hiểu rõ. Vợ nó xem thường, đã chạy luôn mà không thèm cả đứa bé.”)
Ông cụ gõ ống tẩu thuốc vào trong góc, thở dài một hơi. Một nhà ba người, một người chết rồi, một người chạy mất, một người bị bắt cóc, còn có cái gì để nói đây.
Ngược lại bà cụ kia lại có lời: “Bị bắt đấy, thằng lừa năm ngoái cũng bị bắt.”
Lâm Tầm Bạch toan phiên dịch, Tiêu Khản đã hiểu.
“Bà ấy nói bọn buôn người cũng bị bắt phải không?”
“Đúng vậy đó, bà ấy bảo...”
Tiêu Khản quyết định nhanh chóng: “Đi tìm lũ buôn người.”
Lâm Tầm Bạch: ???
--------------------
Cảm nghĩ của tác giả
Mạc Hề:
Từ địa phương Tửu Tuyền, một phần trong đó là phiên âm.
Đổng Hoàng - Đôn Hoàng
Xã mạc – Sa mạc
Làm cái dì – Làm cái gì
Chỉ biết ăn - Không có tương lai
La hớt - Cãi nhau
Gõ búa - Đánh nhau
Tức thường – Xem thường
------oOo------