Đạo Mộ Bút Ký
Chương 26: Trúng tà
Chương 26: Trúng tà
Thứ mùi đó chính là mùi mà Bàn Mã ngửi thấy trong hộp, chẳng qua mùi phát ra từ hộp nồng nặc hơn thôi.
Đối với Bàn Mã, đó hoàn toàn là mùi của người chết. Thứ mùi trên thân thể những ác ma không biết là người hay quỷ đó chắc chắn được mang ra từ địa phủ.
“Trên người cậu ta cũng có thứ mùi đó, nếu không bị mùi thảo dược át đi thì ta đã ngửi được nó từ lần đầu gặp mặt.” Bàn Mã nhìn tôi nói: “Cậu ta giống bọn họ, đều là yêu quái cả.”
Trên người Muộn Du Bình có mùi qué gì chứ ? Tôi không mẫn cảm với mùi vị cho lắm, cũng không phải thợ săn để mà có khứu giác nhạy bén hơn người, nghe lời lão nói thì nửa tin nửa ngờ. Lần sau phải lén ngửi thử xem sao.*=))))))*
Nếu chuyện đến đây là hết, có lẽ mọi việc sẽ qua đi, một thời gian sau người ta sẽ hoài nghi trí nhớ của chính mình, những sự việc không lời giải sẽ tự động chìm vào quên lãng. Nhưng tôi biết chắc chuyện vẫn chưa dừng ở đây, vì nếu chỉ đơn giản như thế thì lão Bàn Mã đã không đưa ra kết luận Muộn Du Bình sẽ hại chết tôi.
Quả nhiên lão lại nói: Chuyện xảy ra sau đó khiến cả đời lão không quên nổi thứ mùi này.
Sau khi chuyện lạ xảy ra, Bàn Mã luôn cảm thấy tinh thần mình bất ổn. Tuy đám người ấy dường như không hề thay đổi, nhưng Bàn Mã luôn cảm thấy ánh mắt vẻ mặt họ toát ra nét gì đó yêu dị, cảm giác này không dựa trên căn cứ nào mà hoàn toàn là một loại hiệu ứng tâm lý. Lão có dự cảm: trong thôn sẽ sinh chuyện.
Vài ngày sau, trong thôn xảy ra một chuyện khiến lão rợn tóc gáy.
Tham gia hành hung với lão còn có bốn người, tính ra thì bọn họ đều là họ hàng dây mơ rễ má cả, người xa người gần. Trong số đó người tên Bàng Nhị Quý nhát gan hơn cả bỗng dưng mất tích; Bàn Mã và mấy người kia trong lòng đều ôm ấp bí mật, đã thử nhắc đến chuyện này nhưng rốt cuộc không ai dám nói ra. Người trong thôn vào núi tìm suốt hai ngày, cuối cùng đám Bàn Mã quyết tâm trở lại ven hồ, nào ngờ lại phát hiện gã Bàng Nhị Quý kia đang ngồi trong doanh trại cười nói vui vẻ với người của đội khảo sát.
Bọn họ chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả, đành đưa gã về. Khi Bàn Mã kéo gã, chợt ngửi thấy thứ mùi thần bí kia toát ra từ người gã.
Bàn Mã nhìn Bàng Nhị Quý mà nổi da gà giữa ban ngày ban mặt, lão bỗng nhận ra nét mặt của Bàng Nhị Quý không giống trước đây, cứ như đã biến thành con người khác.
Cảm giác sợ hãi này không thể nói rõ thành lời, lão nghĩ Bàng Nhị Quý nhất định đã bị quỷ ám rồi. Về tới thôn, lão dặn vợ Bàng Nhị Quý nếu phát hiện chồng mình có biểu hiện bất thường thì phải báo ngay cho lão.
Nhưng vợ gã không có cơ hội phát hiện ra điều gì. Ngày hôm sau, chị ta vừa tỉnh dậy đã thấy chồng mình treo cổ bên giường, cả căn phòng nồng nặc thứ mùi quỷ quái kia.
Người trong thôn cứ đinh ninh Bàng Nhị Quý nghĩ quẩn hoặc bị hồ ly tinh quyến rũ. Bàn Mã hiểu rõ sư tình, lòng thấp thỏm lo âu, lại càng thêm chắc chắn những người kia đúng là yêu quái, Bàng Nhị Quý nhất định đã trúng tà.
Vợ Bàng Nhị Quý bị dọa cho hết hồn, không dám ở lại căn nhà cũ, đành dọn về nhà mẹ đẻ, căn nhà kia trở nên hoang phế. Những người khác thì sợ chết khiếp, hai người trong số đó liền dọn ra khỏi thôn, chỉ còn Bàn Mã và một người nữa ở lại. Ban đêm hai người tuyệt nhiên không dám ngủ, phải mượn vài con chó, chỉ lo người tiếp theo sẽ là mình.
Nhưng nuôi chó cũng vô ích, một tuần sau đó, cái người ở lại thôn cùng lão cũng mất tích. Chờ thêm hai ngày, một đứa bé tìm thấy hắn treo cổ trong ngôi nhà hoang của Bàng Nhị Quý, vị trí treo cổ trùng khớp với Bàng Nhị Quý lúc trước.
Bàn Mã bản tính cứng cỏi, thuở nhỏ đã làm bạn với núi non nên hết sức kiên cường. Sau cơn sợ hãi cùng cực, lão trái lại không còn vướng bận gì nữa, vác cây súng quay lại cái hồ kia, trong lòng tự nhủ nếu đằng nào cũng chết thì mình phải chết cho mình bạch, chứ tuyệt đối không ngồi yên chờ chết. Nhưng khi lão vào núi thì vừa hay đội khảo sát cũng nhổ trại.
Bàn Mã đi được nửa đường thì gặp đội khảo sát, hình như họ không cần người dẫn đường. Bàn Mã trước khi đi đã hạ quyết tâm, nhưng vừa nhìn thấy bọn họ liền nhanh chóng dao động, khiếp hãi theo cả đội xuống núi.
Chuyện sau đó giống như Bàn Mã đã kể, đội khảo sát rời thôn mang theo những cái hòm tỏa ra mùi lạ, từ đó trở đi không quay lại đây nữa. Hai người trốn khỏi thôn cũng bình an vô sự, Bàn Mã thấp thỏm sống qua một năm mới dần dần yên tâm, đinh ninh bọn họ đã đi thật rồi.
Chuyện này giống như một cơn ác mộng cứ ám ảnh Bàn Mã không thôi, cảm giác khiếp sợ này tôi có thể hiểu được. Đội khảo sát đi được chừng nửa tháng, lão tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra, bèn quay lại cái hồ. Đi một vòng quanh hồ, lão phát hiện một bộ quần áo đương thời không hiểu sao lại bị quẳng lên bờ, bọc trong bộ quần áo ấy chính là khối sắt kỳ cục kia.
Phát hiện ra khối sắt này, lão kết luận những người kia nhất định đã bò từ dưới hồ lên, vì khối sắt kia bọc trong quần áo, tuyệt đối không thể bị sóng xô lên bờ. Cái mùi tỏa ra từ khối sắt khiến lão sởn gai ốc, lão nghĩ đây không phải chuyện đùa nên vẫn luôn mang nó theo người. Trước kia thỉnh thoảng gặp cơn túng quẫn lão đã định bán đi, nay điều kiện sống đã khá giả hơn trước, nhớ tới chuyện năm đó mà hoảng, định bụng sẽ mang theo bí mật này xuống mồ.
Sau đó, chúng tôi xuất hiện. Bí mật của Bàn Mã, cuối cùng cũng chấm dứt.
Nghe xong câu chuyện, tôi rơi vào trầm tư. Lạ một nỗi tôi không cảm thấy mọi chuyện thêm mơ hồ, trái lại lần đầu tiên có cảm giác dường như mình đã tìm được một sợi xích có thể kết nối những nghi vấn trong lòng.
Những bí ẩn này giống như ống thép có ren ở hai đầu, mỗi đầu tiếp xúc đều là nghi vấn. Nhưng nếu ta nối liền hai nghi vấn lại với nhau, như thế bốn bí ẩn sẽ mất đi hai; lại nối liền tất cả các ống thép, thì vô vàn bí ẩn có lẽ chỉ còn hai cái ở hai đầu. Cho nên nối liền từng nghi vấn lại với nhau là một công việc rất thú vị.
Nếu là trước đây, tôi nhất định sẽ phát điên; nhưng bây giờ đã học được cách không chỉ nhìn vào bản thân vấn đề, tôi liền hiểu rõ chân tướng sự việc. Cái này lại phải chứng thực, nếu tôi suy luận đúng, thì vấn đề mà chú Ba – hay có thể là Giải Liên Hoàn – vẫn luôn nghi hoặc đã có câu trả lời.
Mà muốn chứng thực chuyện này, lại phải đến cái hồ kia.
Lão Bàn Mã đưa khối sắt kia cho tôi xem, quả nhiên nó giống y xì đúc khối sắt dưới gầm giường Muộn Du Bình, cũng xù xì thô ráp, bề mặt có những hoa văn cổ. Có điều khối sắt của Bàn Mã lớn hơn một chút, tôi ngửi thử, quả nhiên có mùi quái lạ nhưng chỉ thoang thoảng, hầu như không thể nhận ra. Lão nói lúc vừa phát hiện thì mùi của nó rất nồng, dần dần mới nhạt đi; đặt khối sắt này trong nhà, côn trùng sâu bọ đều không dám bén mảng.
Tôi tạm thời mất hứng với vật này, trong lòng nổi lên đủ loại suy đoán.
Bàn Mã không chịu đến cái hồ kia nữa, tôi định bảo A Quý tìm người dẫn đường khác, đưa tiền cho Bàn Mã rồi đứng dậy cáo từ.
Ra đến cửa, tôi sực nhớ ra một việc khác, bèn quay lại hỏi lão “À phải rồi, hình xăm trên người ông có lai lịch thế nào?”
Bàn Mã nhìn tôi, tỏ ra ngạc nhiên vì câu hỏi đột ngột này. Con lão giải thích: “Đây là hình xăm phòng cổ độc do một vu sư người Mèo xăm cho cha tôi hồi nhỏ. Lần đó ông ta được ông nội tôi cứu mạng, bèn xăm hình này cho cha tôi để tạ ơn. Nghe nói có hình xăm này trên người là được quyền thoải mái đi lại trong làng người Mèo mà không ai dám gây khó dễ.”