Đạo Mộ Bút Ký
Chương 29 - Tiếp cận
Trợ lý Lương hất hất hàm về phía tôi, vẻ mặt đầy khinh bỉ. Tôi rủa thầm trong miệng, đúng là loại ăn cây táo rào cây sung. Trên đường đi ông đây cũng coi như có ơn với ngươi, không ngờ ngươi lại trở mặt như trở bàn tay thế này. Sớm biết có ngày hôm nay ông đây đã đá ngươi lại, tránh di họa về sau rồi.
Lão béo lôi từ trong ba lô ra một ít chất đốt rắn, nhóm lửa lên. Nhiên liệu này thường dùng khi leo núi tuyết, vừa có thể thắp sáng, vừa có thể sưởi ấm. Cả sơn động lập tức sáng bừng lên. Xong xuôi đâu đấy, gã lại ném cho tôi mấy thanh lương khô trong khi họng súng trường đen ngòm vẫn lăm lăm chĩa về phía tôi.
Cầm lương khô trong tay mà tôi ngẩn cả mặt, trong lòng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra liền thảy trả lương khô cho lão: “Giờ mạng bọn tôi nằm trong tay các người, muốn giết thì giết quách đi, nhiều lời vô ích!”
Trợ lý Lương nhếch mép cười, quay sang lão béo: “Đấy, tôi đã nói rồi mà, đúng là thanh niên trẻ tuổi có khác, vẫn còn chưa rõ được tình cảnh của mình là gì đâu.”
Ông chủ Vương lắc đầu, lại ném lương khô cho tôi: “Này chú em, tuổi còn trẻ mà đã phiêu bạt giang hồ, đáng ra đầu óc mày phải nhanh nhạy một chút chứ. Tao đã cho mày đồ ăn tức là sẽ không hại đến mấy thằng ranh chúng mày. Thái độ này mà gặp phải mấy thằng cha nóng tính, coi như chú mày đút đầu vào chỗ chết rồi.”
Người này nếu so với lão Thái thì phong cách khác hẳn nhau, lão kia chỉ nhìn qua cũng đủ nhận ra chính là loại giết người không ghê tay. Lão béo đây có vẻ hiền hòa thân thiết, khiến người ta cảm thấy thư thái hơn. Có điều cú đá lúc nãy của lão ta rất có lực, chắc chắn một người buôn đồ cổ bình thường không thể làm được. Tôi nghĩ mãi không ra rốt cuộc thân phận thực sự của lão ta là gì.
Ông chủ Vương dường như nhận ra sự nghi ngờ trong ánh mắt tôi liền rít mạnh một hơi thuốc, đoạn nói tiếp :”Tao tất nhiên không giống bọn lão Thái, tao là người làm ăn. Nơi thương trường không có bằng hữu vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn.”
Trợ lý Lương ngắt lời: “Ông chủ Vương, tốt nhất ông nên nói toạc ra đi, đầu óc hai đứa nhóc này không thông minh lắm đâu. Thằng họ Ngô còn dễ nói, chứ chờ thằng nhãi đang ngủ kia tỉnh dậy sẽ vất vả hơn đấy.”
Ông chủ Vương bật cười, bảo tôi: “Được, người ngay không dối trá, tao lật bài ra luôn. Tao chỉ kinh doanh, không thích động đao động kiếm. Tình huống hiện giờ bọn mày đều rõ cả, cho dù không rơi vào tay tao, chúng mày cũng khó lòng trở ra. Lão Thái đã chết rồi, đối phó với chúng mày cũng chẳng còn gì thú vị nữa. Mày nghĩ cho kỹ xem, có muốn hợp tác cùng tao không. Tao đảm bảo mấy thằng bây vừa nhàn thân, vừa trúng quả lớn.”
Đây chẳng phải mấy lời tôi từng nói với trợ lý Lương sao? Mẹ nó chứ, chỉ qua mấy tiếng đồng hồ mà tôi đã thành kẻ thất thế, đúng là trời đất đảo điên hết rồi.
Thấy mặt tôi cứng đơ, lão ta vẩy vẩy điếu thuốc: “Chú mày không đồng ý cũng không sao, tao sẽ cung cấp thêm trang bị, chúng mày cứ thoải mái tự nhiên mà đi xuống dưới. Nhưng xem ra đầu óc chú mày cũng hạn hẹp thật, vác theo một thằng thương binh dặt dẹo thế này, đi thế nào được?”
Lão ta nói không phải không đúng, tôi cũng thấy lòng rúng động. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lão có trang bị vũ khí đầy người, sao còn muốn hợp tác với tôi làm gì? Hệt như phô của cải ra mời người ta bâu vào kiếm lời vậy. Chắc chắn là có âm mưu rồi. Bọn họ rặt một đám dân giang hồ gian trá xảo quyệt, mọi người đều thấy trợ lý Lương đi cùng chúng tôi cả một chặng đường dài lúc nào cũng treo bộ mặt ton hót ra sao, đến khi có cơ hội, thấy chúng tôi không hề đề phòng tức thì đảo khách thành chủ. So với bọn họ chúng tôi quả nhiên còn quá non nớt, bọn họ có muốn hợp tác chắc chắn có mục đích.
Ý nghĩ xẹt qua trong đầu, tôi đã nung nấu một kế hoạch trong lòng. Điều kiện bọn họ đưa ra trước mắt tôi cứ đáp ứng giống như khi trợ lý Lương ngoan ngoãn đi theo chúng tôi vậy, sau này mới tính đường đào tẩu. Huống hồ lời lão ta nói cũng không sai, muốn đưa lão Dương xuống bình an cần thêm ít nhất một người trợ giúp, tôi đây chỉ có một thân một mình, sẽ vô cùng khó khăn. Hai người kia khinh thường tôi ra mặt thế kia đúng là giẫm vào vết xe đổ của tôi lúc trước, chắc chắn tôi sẽ tìm được cơ hội đảo khách thành chủ, chí ít cũng cướp được một khẩu súng.
Nghĩ tới đây, sắc mặt tôi dịu xuống, giả bộ do dự hỏi lão ta: “Được, xem ra các ông nói cũng có tình có lý, có thể tôi sẽ hợp tác cùng các ông. Nhưng trước hết hãy giải thích cho tôi, các ông cần đến tôi làm gì?”
Ông chủ Vương thở phào nhẹ nhõm, nháy mắt với trợ lý Lương một cái. Rồi lão ta vỗ vai tôi bảo: “Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, anh bạn trẻ họ Ngô ạ, cậu đã gật đầu thì chúng ta xem như người một nhà. Tôi cũng sẽ không giấu diếm cậu điều gì nữa mà sẽ nói tuốt ra luôn, có điều hơi dài dòng văn tự một chút, chúng ta vừa ăn vừa từ từ trò chuyện, thế nào?”
Nhìn điệu bộ xán lại gần của lão ta mà máu tôi sôi lên ùng ục, chỉ muốn bóp chết tươi lão già này ngay lập tức, nhưng ngoảnh lại thấy nòng súng trong tay ông chủ Vương vẫn hằm hè chĩa vào phía mình thì đành nén giận, nở nụ cười gượng gạo: “Cứ nói.”
Trợ lý Lương ngắm nghía vỏ cây Thanh Đồng: “Nói đến thứ này thì vô cùng khó lường. Căn cứ theo những thông tin trong “Hà Mộc Tập” thì lần đầu tiên phát hiện ra cây đồng này là thời Bắc Ngụy, năm Cao Tổ Hiếu Văn hoàng đế thứ mười ba.”
Sau khi Lý Tỳ Bà chết, chỉ trong một thời gian ngắn, trợ lý Lương đã cẩn thận nghiên cứu toàn bộ các phần của “Hà Mộc Tập” qua một lượt. “Hà Mộc Tập” là một loại ghi chép rất tùy ý, có chỗ dùng ngôn ngữ của người câm, có chỗ lại dùng chữ Hán, lại còn có một vài phần ngắn sử dụng thứ kí tự không ai hiểu nổi. Đoạn liên quan đến vật này đa phần viết bằng ngôn ngữ của người câm. Hiện tại trong cả đại lục, chỉ có chưa đầy hai mươi người có thể đọc được loại ngôn ngữ này. Trợ lý Lương chính là một trong số đó.
Những chuyện ghi chép bằng chữ của người câm, tổng cộng có ba sự kiện chính:
Sự kiện thứ nhất là vào thời Bắc Ngụy, năm Cao Tổ Hiếu Văn hoàng đế thứ mười ba, tại khu vực mỏ quặng ở núi Thái Bạch có một viên giám sát báo rằng, có một thợ mỏ phát hiện ra một cây cột Thanh Đồng cổ, gốc dường như chôn sâu vào trong núi. Không có bất cứ dấu hiệu nào, cũng như không thể hiểu nổi phần trong đất của cây cột đó dài bao nhiêu.
Vụ này cũng gây nên một đợt sóng gió ở địa phương. Có người nói đây là cây cột có linh tính, anh càng đào xuống càng thấy nó dài, vĩnh viễn cũng không thấy đầu. Có người bảo đây là chuôi rìu của ông Bàn Cổ thời khai thiên lập địa, kiên trì có thể đào được cả cái rìu ra. Thậm chí có ông thầy phong thủy còn khăng khăng đây là đinh của Ngọc Hoàng đại đế đóng xuống, ghim chặt long mạch của Tần Lĩnh lại, nếu không con địa long này sẽ bay lên trời. Cây trụ này cắm sâu tám trăm dặm, nhất định không được đào lên. Nếu đào lên, toàn cõi Trung Quốc sẽ gặp điều xúi quẩy.
Ít lâu sau, một đạo quân câm điếc nhận được mật lệnh liền lên núi Thái Bạch xác định xem truyền thuyết là thực hay hư, nhưng chính đạo quân này lại mất tích một cách li kỳ (có khi bị chính những người dân địa phương giữ lăng giết sạch cũng nên). Bốn tháng sau, một đạo quân khác lại nhận được mật lệnh, chính họ đã tìm ra cây Thanh Đồng rồi dẫn theo ba nghìn tử tù, cho chúng tiếp quản núi Thái Bạch. Bọn họ niêm phong cả tòa núi, hạ trại rồi tiếp tục đào bới.
Sự kiện thứ hai là vào mùa xuân năm Bắc Ngụy Cao Tổ Hiếu Văn hoàng đế thứ mười tám đã đào liên tục trong vòng bốn năm ba tháng. Ba nghìn tử tù đã thông đến tận hang đá vôi hiện tại chúng tôi đang đứng, nhưng đào đến sát chân núi vẫn không thể tìm ra rễ của cây đồng, trái lại tìm được một chiếc tráp đá vân rồng rỗng bên trong. Hình như bên trong có chứa một vật, nhưng hoàn toàn không có kẽ hở, loay hoay mãi cũng không tài nào mở được. Bọn họ không dám làm liều, đành dâng chiếc tráp vào cung.
Sự kiện thứ ba khá ngắn gọn. Cuối năm Bắc Ngụy Cao Tổ Hiếu Văn hoàng đế thứ mười tám, trong “Hà Mộc Tập” có ghi, hoàng đế ban thưởng, phong tước nhị phẩm, mỗi người được thưởng hai trăm kim, toàn bộ quân đoàn mở tiệc khao quân. Đến lúc say xỉn, chủ nhân “Hà Mộc Tập” cùng mấy binh sĩ tinh anh đầu óc đã nửa mê nửa tỉnh, đánh cược với nhau xem ai dám trèo lên cây Thanh Đồng cổ thụ kia.
(chép tới đây thì bên dưới sử dụng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn kỳ quái, không biết có dụng ý đặc biệt gì không. Trợ lý Lương không thể hiểu được, thật đáng tiếc.)
Trợ lý Lương bảo chúng tôi chỉ có ông chủ Lý Tỳ Bà có thể hiểu loại ngôn ngữ này, nhưng khi hắn hỏi thì lão ta khóa chặt miệng không hé một lời, bí ẩn vô cùng. Không biết là có nguyên do gì.
Phần cuối “Hà Mộc Tập” có một đoạn chữ Hán ghi lại quá trình trèo. Nếu tính từ vị trí hiện tại của chúng tôi hướng lên trên thì sẽ có một sạn đạo vây bởi vách núi đá. Đó là sạn đạo xây dựng dành cho hoàng đế đến kiểm tra, đáng tiếc gần lên đỉnh không hiểu sao không thể xây lên thêm được nữa, hơn nữa, trong quá trình xây lại còn có người ngã xuống vực một cách bí hiểm.
Chúng tôi ra khỏi hang động thấp đó. Ông chủ Vương đưa cho tôi một cái ống nhòm, tự tay bật đèn pin chiếu sáng cho tôi. Sau khi điều chỉnh tiêu cự, quả nhiên tôi nhìn thấy trên mặt đất cách mình một khoảng không xa có một đoạn sạn đạo bằng gỗ dựng trên vách đá, lượn vài vòng hướng về phía trước. Đèn pin của chúng tôi nguồn hơi yếu, không thể chiếu xa nên lúc nãy không hề phát hiện ra.
Ông chủ Vương có ý rằng, nếu leo thẳng bằng sạn đạo kia sẽ có thể tiết kiệm rất nhiều công sức. Có điều, trên sạn đạo chắc chắn tồn tại những điều kỳ quái. Trợ lý Lương là thư sinh trói gà không chặt, đánh đấm đương nhiên mù tịt. Tốt nhất là để cho hắn ở lại nghiên cứu, hai người chúng tôi đi là đủ.
Tôi thì không lạc quan đến thế. Dí mắt vào ống nhòm mãi tôi vẫn không thể nào nhận ra hình thù của sạn đạo. Ánh sáng nơi này mù mịt vô cùng, hơn nữa bên cạnh sạn đạo còn có những sợi rễ cây chằng chịt quấn vào, hoàn toàn không hề giống với những sạn đạo dựng bằng thép trong những khu du lịch tôi đã từng đi qua. “Hà Mộc Tập” viết vào thời Nam Bắc triều, tới nay đã trải qua hàng ngàn năm, sạn đạo này không biết đã hoàn thành hay chưa, có chắc chắn hay không lại càng không biết.
Ông chủ Vương nói công trình xây dựng năm đó là để hoàng đế ngự lãm, hoàn toàn không phải thứ làm tạm bợ nên sẽ được thiết kế và thi công rất kỹ lưỡng. Hiện nay còn tồn tại rất nhiều công trình kiến trúc cổ thời Hán, tất cả đều trong tình trạng bền vững nên lão ta cho rằng vấn đề không mấy to tát. Nếu thực sự không xong, chúng tôi còn có một cơ số dây thừng, cộng thêm sạn đạo kia thì việc leo lên chỉ là chuyện nhỏ.
Lão nói vô cùng dứt khoát, không để người khác xen miệng vào được câu nào. Tôi chửi thầm trong bụng, đành nén lòng mà ngậm tăm. Quay sang bàn bạc với trợ lý Lương, quyết định cho tôi nghỉ ngơi thêm chừng mười lăm phút, sau đó lão béo dẫn tôi đi lên, trợ lý Lương và lão Dương ở lại.
Chợp mắt được một lúc tôi cũng thấy khỏe lên nhiều, lại ăn thêm chút thức ăn. Ông chủ Vương cũng ngồi xuống, dùng tiếng Quảng Đông tán dóc với trợ lý Lương. Tôi không hiểu được hoàn toàn, nhưng đại khái cũng biết họ đang nói chuyện có liên quan đến Kỳ Lân Kiệt mà lão béo kia từng nhắc tới. Đối với việc này, trong lòng tôi cũng hơi thắc mắc, liền tự nhủ giờ quan hệ giữa tôi và bọn họ cũng đã dịu đi ít nhiều, đây lại là thời cơ để hỏi cho rõ ràng. Tôi liền hỏi trợ lý Lương xem Kỳ Lân kiệt rốt cuộc là thứ gì, có nguy hại hay không.
Trợ lý Lương đáp: “Cậu không cần lo lắng. Khi đó tôi không kể hết sự tình cho các cậu chẳng qua là để nắm đằng chuôi, đề phòng khi các cậu chuồn mất thì còn có cơ hội lật ngược tình thế. Giờ chúng ta đã chính thức liên minh, tôi sẽ nói cho tâm tư cậu khỏi khó chịu.”
Kỳ Lân kiệt chính là máu kỳ lân đông kết thành cục, là một vị thuốc Đông y vô cùng quý giá. Nhưng nó hoàn toàn không phải máu kỳ lân thật mà là nhựa của một loại thực vật. Thứ cây này có tên là Kỳ Lân Huyết Đằng, còn có cách gọi khác là Huyết Xà Đằng, chủ yếu mọc ở phía Nam.
Kỳ Lân kiệt lưu giữ càng lâu càng có công hiệu. Ban đầu nó chỉ có công dụng bình thường là dùng làm thuốc, nhưng trong Đông y còn có một cách sử dụng không mấy phổ biến, đó là để xông lên thi thể. Thời cổ đại, một số dân tộc thiểu số hoặc trong một vài sơn thôn có tập tục đặt một khối Kỳ Lân kiệt trên rốn của thi thể rồi nhập liệm. Cách làm này có thể loại bỏ âm khí của thi thể, dù thối rữa nhưng cũng không sinh ra giòi bọ.
Kỳ Lân kiệt lâu dần sẽ từ màu đỏ sậm biến thành màu đen. Tuổi càng lớn màu đen càng trầm. Đến một thời điểm nhất định, tính chất sẽ biến đổi, nuốt vào sẽ tan ra. Sau khi người sử dụng, côn trùng không thể lại gần, mùa hè ngay cả muỗi cũng không dám đốt.
Tất nhiên là truyền thuyết này trợ lý Lương cũng chỉ nghe người khác kể lại, hôm nay lần đầu tận mắt nhìn thấy mới bắt đầu tin có chuyện như vậy thật. Về phần có tác dụng phụ hay không thì chẳng hề có ghi chép gì cả. Nhưng thông thường độc tính của thuốc Đông y rất thấp, hắn cũng khiến tôi bớt lo: “Nhân nói đến chuyện này, tôi thấy rắc rối nhất vẫn là đám cổ trùng. Thời điểm ghi chép trong “Hà Mộc Tập” không hề tồn tại thứ mặt nạ như thế này, không thể khẳng định được là người xưa bày nghi trận hay không, chỉ biết rằng họ đã động thủ giết chết hàng ngàn mạng người bên ngoài. Khi hai người đi lên hãy cố gắng cẩn thận, không được phép sơ suất.”
Chúng tôi nghỉ một lúc, lão Dương vẫn chưa tỉnh, lão béo bèn tháo trang bị xuống cho tôi. Tôi đầu đeo đèn pin, lưng mang dây thừng, hướng về phía sạn đạo mà xuất phát.
Nhìn qua thì quãng đường đến sạn đạo không hề xa, nhưng trên thực tế thì luôn khác hẳn, khoảng cách thật sự xa hơn rất nhiều. Chúng tôi dự định khoảng một giờ sẽ lên đến đỉnh, kết quả là nửa giờ sau mới lết được tới phía dưới sạn đạo.
Lúc này tôi phát hiện ra, lão béo nói không sai chút nào. Sạn đạo được bảo tồn cực kỳ tốt, không hẳn vì xây dựng cho hoàng đế nên chắc chắn đến thế mà là do đang trong giai đoạn sửa chữa, bên ngoài được bao quanh bằng một lớp hành lang bằng trúc phủ sơn. Chất liệu này chống ẩm rất tốt, trải qua xâm thực mấy trăm năm mà vẫn rắn chắc vô cùng. Khi bước lên, tôi còn có thể nghe thấy những tiếng cót két dẻo dai.
Nơi này có vẻ gần sát với bề mặt trái đất, bên vách đá dựng đứng rủ xuống vô số rễ cây, giống hệt như những cây leo cuốn vào lan can. Có cả những đoạn rễ khổng lồ, thoạt nhìn y hệt bộ xúc tu của bạch tuộc che kín cả sạn đạo. Càng lên cao những thứ này càng lắm, khiến đường trở nên rất khó đi. Vài đoạn bị cả bộ rễ bao bọc bên trong không còn chỗ đặt chân lên, đành phải rút dao ra chặt bớt mở đường hoặc lồm cồm trèo qua.
Rễ cây ăn xuống rất sâu khiến các tầng nham thạch đều đã rạn vỡ hết. Chốc chốc đất đá lại rào rào rơi xuống, chúng tôi tay thì ôm đầu, chân thì rón rén bước trên sạn đạo, đi thì đi được đấy nhưng trong lòng thấy khổ sở không để đâu cho hết.
Chúng tôi đi rất chăm chú, không để ý tới đã lên cao được bao nhiêu vòng thì phía trước sạn đạo bỗng xuất hiện một cái hố khổng lồ, chắc đường kính phải đến mười mét. Có lẽ cái hố đó là do nham thạch bị phá vỡ sụp xuống mà thành. Tôi căn thử khoảng cách rồi quay đầu lại nói với ông chủ Vương: “Bó tay rồi. Muốn vượt qua phải dùng dây thừng.”
Từ lúc xuất phát chúng tôi đã đi liên tục gần một tiếng đồng hồ, nhưng nhìn xuống mới thấy quãng đường đi được chẳng đáng là bao. Xem ra còn khuya mới lên được đến ngọn cây, đừng nói là trong vòng một giờ ngắn ngủi. Đi nhanh nên tốn sức vô cùng, chúng tôi đành nghỉ ngơi một lúc. Hang động vừa rộng vừa trơn tru này bên trong lại vừa âm u vừa ẩm ướt, đi được có quãng ngắn ngắn đó thôi mà quần áo tôi đã đầm đìa mồ hôi, dính chặt vào người khó chịu muốn chết. Khoảng nửa tiếng nữa mà không thoát khỏi cái đống ướt sũng này chắc tôi lăn ra ốm mất, phải nghĩ cách sưởi ấm mới được.
Chúng tôi tìm một chùm rễ cây phủ bên trên sạn đạo, ông chủ Vương lấy nhiên liệu ra rồi lại lấy dao găm cắm vào cây. Tôi cởi quần áo, đầu tiên hong khô đồ lót sau đó mới ăn qua quýt một chút. Ông chủ Vương mặt mũi rất nghiêm trọng, vừa nói chuyện với tôi vừa rọi đèn mỏ vào cây đồng ở phía đối diện. Săm soi một hồi, lão ta nói: “Cậu xem kìa, từ đây đã có thể nhìn thấy ngọn. Trên đó là cái gì vậy?”
Tôi cầm ống nhòm lên ngắm. Trên cao cách khoảng mười mét là ngọn của cây đồng, những rễ cây rủ xuống theo vách động gần như che kín hết một vùng, cố gắng lắm mới có thể nhìn thấy được. Bộ rễ chùm cực kỳ lớn, một lượng lớn rễ con quấn chặt vào cây đồng. Nếu bên trong thực sự có thứ gì đó thì cũng không thể rõ được.
Sạn đạo bao quanh vách động hướng lên trên còn xa hơn nhiều so với ngọn cây đồng. Về điểm này có vẻ không giống nội dung trong “Hà Mộc Tập” cho lắm. Trải qua biết bao thời gian đào bới, cây đồng nặng nề này càng lúc càng có xu hướng chìm sâu xuống tầng nham thạch, sau hàng trăm năm đã gần chạm tới sạn đạo.
Bộ rễ trùm xuống ngọn cây rất có thể là của cây đa mà chúng tôi nhìn thấy từ đỉnh núi Kim Ngư khi mới đặt chân đến đây. Cây đa đó rất lớn, hơn chục người vòng tay ôm không xuể, đám rễ cây kia xem ra còn đồ sộ hơn cành lá rậm rạp. Chúng giống như những móng vuốt quỷ trắng bệch, cũng từa tựa một đám vải vóc tả tơi vắt bừa ra đó. Có lúc tôi lại cảm giác chúng như một bàn tay khổng lồ đang tóm lấy thân cây đồng lôi ra khỏi chốn âm ty địa ngục, có lúc giống như tô-tem khổng lồ hình một con cự mãng hóa thạch ngàn năm, khiến người ta nổi cả da gà da vịt.
Tôi đang nhìn say sưa, bỗng nghe thấy giọng lão béo vang lên bên tai: “Rễ cây um tùm như vậy, chắc chắn tầng đá này chính là lớp đất bề mặt. Hang động này là hang tự nhiên, người xưa khi hiến tế không thể đục xuyên núi được. Phía trên nhất định có một hệ thống hang động thông ra bên ngoài. Nếu việc bất thành, chúng ta cũng không cần theo đường cũ để về đâu.”
Tôi thấy lão ta nói cũng có lý mà như mở cờ trong bụng, không đi đường cũ đúng là phúc đức ba đời. Nhưng hang động này quá rộng, chắc chắn không phải nơi tốt lành gì. Muốn thoát ra khỏi đây phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa. Ông chủ Vương đẩy tôi: “Ngọn cây thì là như vậy, nhưng cậu nhìn đi, trong mớ rễ kia hình như có một bức tượng đồng. Có điều xa quá, tầm nhìn hạn chế, chúng ta kiếm chỗ nào nhìn cho rõ xem.”
Tôi nhìn theo hướng lão ta chỉ tới ngọn cây, phát hiện ra trong đám rễ chằng chịt hình như có hai cánh tay đúc bằng thanh đồng. Ở Giáp Tử Câu chúng tôi đã từng nhìn thấy một pho tượng cổ hoa lá cành rất giống pho này, nhưng khuôn mặt tượng đã bị mấy tên trộm mộ cho nổ nát bét. Lúc đó tôi bỗng có linh cảm khuôn mặt đó chắc chắn không bình thường, giờ nhìn kỹ mới thấy rõ hình dạng của cái thứ này.