Chuỗi án mạng A B C
Chương 18: Poirot phát biểu
Hôm sau Franklin Clarke đến lúc 3 giờ chiều và chẳng thèm vòng vo, anh ta đi thẳng vào vấn đề luôn.
“Ông Poirot này, tôi không thỏa mãn chút nào”, anh ta nói.
“Không ư, anh Clarke?”
“Tôi biết Crome là một thanh tra rất có năng lực nhưng nói thật anh ta làm tôi khó chịu. Cái kiểu biết tuốt của anh ta ấy! Tôi đã bật mí một chút dự định của tôi với ông bạn của ông khi ở Churston, nhưng tôi phải lo hậu sự cho anh trai nên giờ mới có thời gian, ông Poirot ạ, ý tưởng của tôi là chúng ta không nên giậm chân tại chỗ nữa...”
“Hastings cũng luôn bảo tôi thế đấy!”
“...mà phải tiếp tục tiến lên. Chúng ta phải chuẩn bị cho vụ án tiếp theo”.
“Vậy anh cũng nghĩ sẽ có vụ án tiếp theo ư?”
“Ông không nghĩ thế sao ạ?”
“Có chứ”.
“Thế thì tốt quá. Tôi muốn chúng ta phải chuẩn bị chu đáo”.
“Anh nói kỹ hơn ý tưởng của anh được không?”
“Ông Poirot ạ, tôi đề xuất là chúng ta nên có một đội đặc nhiệm - hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông - bao gồm bạn bè và người thân của những người bị giết”.
“Une bonne idée”. [1]
“Tôi rất vui là ông cũng đồng tình. Nếu chúng ta hợp sức lại thì có thể tìm ra được điều gì đó. Ngoài ra, khi bức thư cảnh báo tiếp theo đến, nếu chúng ta có mặt ở hiện trường, một người trong chúng ta - tôi không nói là chắc chắn - nhưng chúng ta có thể nhận ra ai đó có mặt gần hiện trường vụ án trước”.
“Tôi hiểu ý anh và tôi đồng ý, nhưng anh Clarke này, anh phải nhớ rằng những người thân và bạn bè của các nạn nhân khác không cùng đẳng cấp của anh. Họ là những người làm công ăn lương và mặc dù họ xin nghỉ phép ngắn hạn thì...”
Franklin Clarke cắt lời.
“Đúng thế. Tôi sẽ đứng ra trang trải mọi chi phí. Thật ra tôi không giàu có gì nhưng anh trai quá cố của tôi rất giàu nên rốt cuộc tài sản của anh cũng sẽ là của tôi. Như tôi đã nói, tôi đề nghị lập đội đặc nhiệm này nên đương nhiên các thành viên ưong đội sẽ được trả lương đúng với số tiền mà họ thường kiếm được”.
“Anh nghĩ chúng ta nên mời ai vào đội này?”
“Tôi đã tính rồi. Tôi đã viết thư cho cô Megan Barnard - thật ra, cô ấy có góp phần vào việc đưa ra ý kiến này. Tôi đề nghị đội gồm có tôi, cô Barnard và anh Donald Fraser - vị hôn phu của cô gái đã qua đời. Tiếp theo là cháu gái của cụ bà ở Andover - cô Barnard biết địa chỉ của cô ấy. Tôi nghĩ ông chồng của bà cụ chẳng giúp được tích sự gì đâu - tôi nghe nói ông ta say xin suốt ngày. Tôi nghĩ ông bà Barnards - bố me của cô gái hơi già nên không hợp với chiến dịch đòi hỏi tính năng động như vầy”.
“Còn ai nữa không?”
“À, ờ, thêm cô Grey nữa”.
Anh ta hơi đỏ mặt khi nhắc đến cái tên ấy.
“Ồ, cô Grey ư?”
Trên đời này không ai có thể dặm chút sắc thái mỉa mai vào trong vài từ giỏi hơn Poirot. 35 năm qua dường như biến khỏi Franklin Clarke. Anh bỗng dưng trở lại là một cậu học trò bẽn lẽn.
“Vâng, ông biết đấy, cô Grey đã ở bên cạnh anh trai tôi hơn hai năm. Cò biết rõ vùng ấy, những người sống ở đó và nhiều thứ khác nữa Tôi thì xa nhà một năm rưỡi nay rồi”.
Poirot thấy tội nghiệp anh ta nên đổi đề tài.
“Anh đã từng ở phương Đông à? Ở Trung Quốc đúng không?”
“Vâng. Tôi có nhiệm vụ đi khắp nơi để mua hàng cho anh tôi”.
“Chắc là thú vị lắm. Ờ, tốt rồi, anh Clarke, tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của anh. Mới hôm qua tôi nói với Hastings rằng kết nối những người có liên quan lại là việc rất cần thiết. Chúng ta cần nhớ lại và góp nhặt những sự kiện đã xảy ra, so sánh những ghi chép của nhau - cuối cùng là bàn lui bàn tới vấn đề đó. Biết đâu từ những cụm từ vu vơ chúng ta lại tìm ra được câu trả lời”.
Vài ngày sau, “Đội Đặc nhiệm” họp tại nhà Poirot.
Trong khi họ ngoan ngoãn ngồi quanh bàn nhìn về phía Poirot ở đầu bàn, trông ông như một vị giám đốc điều hành cuộc họp công ty, tôi nhìn họ một lượt như để khẳng định lại hay ôn lại ấn tượng đầu tiên của tôi về họ.
Ba cô gái, cô nào cũng cũng nổi bật - Thora Grey xinh đẹp thì trắng một cách lạ kỳ, Megan Barnard có làn da đậm màu và khuôn mặt cô bất động lạ thường như thổ dân da đỏ, còn Mary Drower mặc một cái áo khoác và váy đen gọn gàng, khuôn mặt xinh xắn của cô ánh lên vẻ thông minh.
Trong hai người đàn ông, Franklin Clarke cao to, da rám nắng và thích nói chuyện còn Donald Fraser thì kín đáo và ít nói. Hai người họ tạo nên sự tuơng phản vô cùng thú vị.
Dĩ nhiên, Poirot không bỏ qua cơ hội trình bày một bài phát biểu nho nhỏ.
“Thưa các cô và các anh, chắc mọi người đã biết lý do chúng ta có mặt ở đây hôm nay. Cảnh sát đang dốc sức tìm kiếm tên tội phạm đó. Tôi cũng tìm nhưng theo cách riêng của mình. Nhưng theo tôi, tập hợp những ai quan tâm đến vụ án cũng như biết rõ nạn nhân sẽ đem đến những kết quả mà những cuộc điều tra bên ngoài khó đạt được.
Giờ đây chúng ta có ba vụ giết người - một bà cụ, một cô gái trẻ và một ông lớn tuổi. Thứ duy nhất gắn kết ba con người này với nhau - họ đều bị cùng một người giết. Có nghĩa là người đó có mặt ở ba địa điểm khác nhau và có nhiều người đã thấy hắn. Việc hắn là tên điên ở giai đoạn trầm trọng là điều không cần bàn cãi nữa. Còn chuyện dáng hình và hành vi của hắn không biểu lộ bệnh tình của hắn cũng quá rõ rồi. Người này - mặc dù tôi gọi là hắn nhưng nên nhớ đó có thể là đàn ông hay đàn bà - dù điên nhưng rất xảo quyệt và nham hiểm. Cho đến bây giờ hắn vẫn giấu kín được tung tích của mình. Cảnh sát biết một vài manh mối mơ hồ nhưng không thể làm được gì với chừng đó manh mối.
Dù vậy, hẳn phải có dấu hiệu gì đó chắc chắn chứ không mơ hồ. Lấy một vụ giết người làm ví dụ, hắn ta không đến Bexhill nửa đêm và dễ dàng tìm thấy trên bãi biển một cô gái có tên bắt đầu với chữ B...”
“Chúng ta có cần bới lại chuyện này không ạ?”
Câu đó là của Donald Fraser, lời nói của anh ta dường như rung lên từ sâu thẳm bên trong nỗi đau của mình.
Poirot quay về phía anh ta, ông đáp:
“Cần phải nói lại chi tiết anh ạ. Anh đến đây không phải để che giấu cảm xúc của mình bằng cách từ chối nghĩ đến chi tiết vụ án, trái lại, nếu cần chúng ta phải đào bới chúng bằng cách đi sâu vào cốt lõi vấn đề. Như tôi đã từng nói, không phải ngẫu nhiên mà A B C chọn Betty Barnard làm nạn nhân. Hẳn là hắn ta đă cố tình lựa chọn và lên kế hoạch trước. Nói cách khác, hắn đã do thám trước hiện trường. Hắn đã nắm rõ các thông tin như thời điểm tốt nhất để ra tay vụ Andover, hiện trường vụ Bexhill và thói quen của ngài Carmichael Clarke ở Churston. Theo tôi, tôi không tin là không có dấu hiệu hay dấu vết nào dù lờ mờ nhất có thể giúp định hình được nhận dạng của hắn.
Tôi cho rằng một trong số các anh chị hoặc có thể là tất cả các anh chị biết điều gì đó mà anh chị không biết là mình biết.
Chẳng sớm thì muộn, nhờ việc hợp sức lại với nhau này mà các anh chị sẽ tìm ra được điều gì đó, sẽ đảm nhận một trọng trách mà mình chưa từng mơ tưởng đến thì sao. Giống trò chơi ghép hình - mỗi người trong các anh chị là một miếng ghép chẳng có ý nghĩa gì nhưng khi ghép lại với nhau thì có thể tạo nên một mảng nhất định nào đó trong tổng thể bức tranh”.
“Nói suông thôi!” Megan Barnard lên tiếng.
“Hả?” Poirot nhìn cô ta đầy thắc mắc.
“Những điều ông nói đấy. Chỉ là nói suông. Chẳng có nghĩa gì cả”.
Cô ta nói với một vẻ rất dữ dội khiến tôi bắt đầu liên tưởng đến tính cách của cô.
“Cô à, lời nói chỉ là vỏ bọc bề ngoài của ý tưởng thôi”.
“Ờ, em thì nghĩ có ý nghĩa đó chị ạ”, Mary Drower nói. “Em thật tình nghĩ như thế. Thường thì khi chị nói đi nói lại một vấn đề gì chị càng sáng tỏ hơn. Đôi lúc trí óc mình tự tưởng tượng ra mà mình không hề hay biết. Thế nào đó việc nói chuyện cũng dẫn đến nhiều thứ lắm chị”.
“Nếu như người ta nói ‘ít nói thì mau quên’ thì chúng ta muốn điều ngược lại”, Franklin Clarke nói.
“Ý anh thế nào, anh Fraser?”
“Tôi thấy những điều ông nói không có tính khả thi lắm, ông Poirot ạ”.
“Cồ nghĩ sao, Thora?” Clarke hỏi.
“Tôi nghĩ ý tường kể lại chuyện đã xảy ra có vẻ hợp lý đấy”.
Poirot gợi ý: “Các anh chị thử lục lại trí nhớ của mình về thời điểm xảy ra vụ án xem sao. Có lẽ mời anh Clarke bắt đầu trước nhé”.
“Để xem nào, vào buổi sáng ngày Car bị giết thì tôi dong thuyền đi chơi. Tôi bắt được tám con cá thu. Hôm đó trên vịnh trời rất đẹp. Tôi ăn trưa ở nhà. Tôi nhớ mình ăn món hầm Ireland. Tôi ngủ trưa trên võng, uống trà. Rồi viết vài lá thư, hụt giờ lấy thư nên phải lái xe đến tận Paignton để gửi thư. Rồi ăn tối và - tôi không ngại khi kể rằng - tôi đọc lại quyển sách của E. Nesbit mà tôi rất thích từ hồi còn nhỏ. Rồi thì chuông điện thoại reo...”
“Chừng đó đã nào. Bây giờ anh nhớ lại xem anh có gặp ai trên đường xuống biển vào buổi sáng không anh Clarke?”
“Gặp nhiều người lắm”.
“Anh có nhớ điều gì về họ không?”
“Giờ thì tôi chả nhớ gì cả”.
“Anh chắc chứ?”
“Ờ, để tôi xem nào, tôi nhớ ra một người đàn bà rất mập mạp - bà ấy mặc cái áo đầm lụa có kẻ sọc và tôi tự hỏi tại sao bà đi cùng với một đám con nít, hai người đàn ông đi cùng con chó giống Anh trên bãi biển ném đá để nó chạy đi lượm... Ồ, có một cô gái tóc vàng vừa tắm vừa la the thé... Buồn cười thật, những sự việc đó cứ ùa về rõ mồn một như ta đang rửa một tấm ảnh”.
“Tốt lắm. Vậy thì đến chiều - khu vườn - đi bưu điện...”
“Người làm vườn đang tưới nước... Đi bưu điện à? Tôi suýt tông vào một người đang đi xe đạp - cô gái ngốc nghếch ấy lảo đảo và la lớn gọi bạn. Tôi e là chỉ có chừng đó thôi”.
Poirot quay sang Thora Grey. “Còn cô Grey thì sao?”
Thora Grey trả lời bằng một giọng rõ ràng và chắc chắn:
“Vào buổi sáng tôi xử lý thư từ với ngài Carmichael rồi tôi làm việc với bác quản gia. Tôi nhớ là tôi viết thư và khâu vá vào buổi chiều. Khó nhớ quá ông ạ. Hôm đó chỉ là một ngày bình thường. Tôi đi ngủ sớm”.
Tôi ngạc nhiên là Poirrot không hỏi gì thêm.
“Cô Barnard, cô kể lại chuyện lần cuối cô gặp em gái nhé”.
“Lần đó cách ngày em gái tôi mất chừng hai tuần. Tôi về nhà vào dịp thứ bảy và chủ nhật. Trời hôm ấy đẹp lắm. Chúng tôi đi tới hồ bơi ở Hastings”.
“Hai cô chủ yếu nói chuyện gì?”
“Tôi cho em một vài lời khuyên thôi”, Megan đáp.
“Còn gì nữa không? Cô ấy nói về việc gì?”
Cô gái nhăn trán cố nhớ lại.
“Em than phiền bị cháy túi vì vừa mua mũ và váy ao mùa hè. Và kể một chút về Don... Em cũng có kể là em ghét Milly Higley - cô gái bán ở quán trà - và chúng tôi cười nhạo Merrion chủ tiệm trà... Tôi không nhớ gì khác nữa...”
“Cô ấy không nhắc tới người đàn ông nào - thứ lỗi cho tôi nhé anh Fraser - mà cô ta sẽ gặp sao?”
“Em chẳng nói với tôi đâu”. Megan đáp cộc lốc.
Poirot quay sang chàng trai tóc đỏ có khuôn mặt vuông vức, ông nói: “Anh Fraser này, tôi muốn anh cố gắng nhớ lại. Anh nói là anh đã đến quán trà vào buổi chiều định mệnh đó. Ý định ban đầu của anh là dpi cho đến khi Betty Barnard đi ra. Trong khi đợi ở đó anh có nhớ là thấy người nào mà anh để ý không?”
“Có rất nhiều người qua lại ở phía trước. Tôi không nhớ ai trong số đó cả”.
“Xin lỗi, nhưng anh hãy cố nhớ thêm chút nữa đi. Dù tâm trí có bận rộn suy nghĩ đến mấy thì mắt anh vẫn để ý được những thứ xung quanh một cách máy móc, không nhanh nhạy nhưng rất chính xác...”
Chàng trai kiên trì lặp lại:
“Tôi không nhớ ai cả”.
Poirot thở dài và quay sang Mary Drower. “Bác đoán cháu hay nhận thư của dì cháu đúng không?”
“Ồ, vâng, thưa bác”.
“Lần cuối cùng là lúc nào thế?”
Mary suy nghĩ một chút.
“Hai ngày trưóc khi vụ giết người xảy ra, thưa bác”.
“Thư viết gì vậy?”
“Dì kể lão chồng già cứ lởn vởn ở đó và dì phải đuổi hắn đi như đuổi tà - xin lỗi vì cháu dùng từ hơi thô lỗ; dì nói dì mong cháu đến chơi vào ngày thứ tư - đó là ngày cháu được nghỉ làm bác ạ; dì nói dì và cháu sẽ đi xem phim cùng nhau vì sắp đến sinh nhật của cháu, thưa bác”.
Dường như ý nghĩ về chuyến đi chơi đó khiến Mary rưng rưng muốn khóc. Cô gái cố nuốt nước mắt rồi xin lỗi vì phút yếu lòng.
“Cháu xin lỗi bác. Cháu không muốn tỏ ra yếu đuối thế đâu. Khóc cũng chẳng có ích gì. Chỉ là cái ý nghĩ cháu và dì được vui chơi cùng nhau khiến cháu bỗng nhiên thấy nhói đau ạ”.
“Tôi hiểu cảm giác của cô”, Franklin Clarke lên tiếng. “Những điều tưởng như nhỏ nhặt lại khiến ta xúc động, đặc biệt những thứ như một cuộc đi chơi hay quà cáp hay cái gì đó vui vẻ và tự nhiên. Tôi nhớ có lần thấy một người phụ nữ bị xe tông. Cô ấy vừa mua đôi giày mới. Tôi thấy cô ta nằm đó và chiếc hộp bị rách toạc khiến đôi giày cao gót nhỏ trông kỳ cục lòi ra ngoài. Cảnh đó khiến tôi sợ hãi - đôi giày trông thảm hại quá”.
Megan bỗng dưng hào hứng nói:
“Đúng thế - quá đúng luôn. Điều đó cũng xảy ra với chúng tôi khi Betty...chết. Mẹ tôi mua cho em một vài đôi tất làm quà và mua vào đúng ngày vụ giết người xảy ra. Tội nghiệp mẹ tôi, bà đau đớn tột cùng. Tôi thấy mẹ tôi ôm mấy đôi tất đó và khóc. Mẹ cứ lặp đi lặp lại: ‘Mẹ mua chúng cho Betty... mẹ mua chúng cho Betty... thế mà con bé không bao giờ được thấy’.”
Giọng của cô gái run run. Cô rướn người về phía trước vào nhìn thẳng vào Franklin Clarke. Bỗng dưng giữa họ trào lên một sự đồng cảm - tình anh chị em bị chia cắt.
Donald Fraser bứt rứt cựa mình, anh nói: “Tôi biết, tôi biết lắm chứ. Nhớ lại những thứ đó thật là đau khổ”.
Thora Grey đổi chủ đề.
“Chúng ta không lập kế hoạch tương lai sao?” cô hỏi.
“Có chứ”. Franklin Clarke lấy lại vẻ bình thường. “Tôi nghĩ khi thời cơ đến - ý tôi là khi bức thư thứ tư đến - chúng ta phải hợp sức lại. Còn giờ thì có lẽ chúng ta mỗi người phải tự mình tìm kiếm câu trả lời thôi. Tôi không biết liệu thám tử Poirot có điều gì có thể hỗ trợ điều tra không?”
“Tôi có một số gợi ý này”, Poirot đáp.
“Tốt quá. Tôi sẽ viết lại”. Anh lấy ra một quyển vở. “Ông nói tiếp đi ông Poirot. A-?”
“Tôi cho rằng có thể cô phục vụ Milly Higley biết điều gì đó có ích”.
“A - Milly Higley”, Franklin Clarke viết xuống.
“Tôi đề nghị hai phương pháp tiếp cận. Cô Barnard sẽ thử phương pháp công kích”.
Megan nói cộc lốc: “Ý ông là việc đó hợp với tính cách của tôi chứ gì?”
“Gây gỗ với cô gái đó - bảo là cô biết cô ta chưa bao giờ thích em gái cô - và em gái cô kể cho cô biết mọi chuyện về cô ấy. Nếu tôi không nhầm thì việc đó sẽ dẫn tới một vụ tố cáo lẫn nhau. Cô ta sẽ nói cho cô biết cô ta thật sự nghĩ gì về em gái cô! Lúc đó ta có thể lượm lặt được một số thông tin hữu ích”.
“Còn phương pháp thứ hai?”
“Tôi đề nghị anh Fraser nên giả vờ thích cô gái đó nhé”.
“Có cần phải thế không?”
“Không, không cần thiết lắm. Chỉ là một cách để khai thác thông tin thôi”.
“Tôi thử được không?” Franklin hỏi. “Tôi... ờ... có kha khá kinh nghiệm, ông Poirot à. Để xem tôi có thể làm gì được với cô gái đó không”.
“Anh có khối việc phải lo mà”, Thora Grey nói khá gay gắt.
Mặt Franklin hơi xụ xuống.
“Ừ, đúng thế”. Anh ta đáp.
“Tout de même, [2] tôi nghĩ hiện tại dưới đó không có nhiều việc đâu”, Poirot nói. “Cô Grey đây thích hợp hơn...”
Thora Grey ngắt lời ông.
“Nhưng ông thấy đấy ông Poirot, tôi đã rời Devon để được yên thân rồi”.
“Hả? Tôi chưa hiểu ý cô”.
“Cô Grey có ý tốt muốn ở lại để giúp tôi lo liệu mọi việc”, Franklin nói. “Nhưng rõ ràng cô ấy thích làm việc ở Luân Đôn hơn”.
Poirot đưa cái nhìn sắc lẹm từ người này sang người kia rồi ông hỏi: “Phu nhân Clarke bệnh tình sao rồi?”
Tôi mải mê ngắm đôi má trắng ngần của Thora Grey nên suýt bỏ lỡ câu trả lời của Clarke.
“Không được tốt lắm. Ông Poirot này, ông có thể sắp xếp thời gian để xuống Devon thăm chị ấy được không? Trước khi tôi đến đây chị ấy có ý muốn gặp ông. Đương nhiên, thỉnh thoảng chị ấy không thể gặp ai cả mấy ngày, nhưng nếu ông muốn thử thì tôi sẽ lo chi phí đi lại cho ông”.
“Được chứ, anh Clarke. Ngày kia có được không?”
“Được chứ ạ. Tôi sẽ báo y tá biết để cô ấy lo liệu chuyện thuốc than liên quan cho chị ấy”.
“Còn cháu, cháu gái này”, Poirot quay sang Mary và nói, “bác nghĩ có lẽ cháu sẽ làm tốt phần việc ở Andover. Cháu thử hỏi mấy đứa nhỏ ở đó xem”.
“Mấy đứa con nít sao ạ?”
“Ừ. Con nít thường không dễ dàng nói chuyện với người ngoài. Nhưng những người ở con phố nhà dì cháu thì biết cháu rồi. Có nhiều con nít chơi ở khu vực đó. Biết đâu chúng có thấy ai vào ra cửa hàng của dì cháu”.
“Thế cố Grey và tôi thì sao?” Clarke hỏi. “Ý tôi là nếu tôi không đi Bexhill”.
“Ông Poirot à”, Thora Grey nói, “dấu bưu điện trên bức thư thứ ba là ở đâu ạ?”
“Ở Putney, thưa cô”.
Cô nói vẻ nghĩ ngợi: “SW15, Putney có phải không ạ?”
“Ngạc nhiên là báo chí in đúng đấy”.
“Điều đó chứng tỏ A B C là người Luân Đôn”.
“Có vẻ thế”.
“Ai đó phải nhử hắn ta”, Clarke nói. “Ông Poirot này, hay tôi đăng quảng cáo với dòng thông báo sau: A B C. Tin khẩn, H.P gần tìm ra ông rồi. Một trăm bảng để đổi lấy sự im lặng của tôi. X.Y.Z. Không có gì lộ liễu hơn thế nhưng đó cũng là một ý kiến mà. Nó có thể gây sự chú ý của hắn”.
“Ừ, cũng là một cách”.
“Vậy có thể xui hắn để ý đến tôi”.
Thora nói gay gắt: “Tôi nghĩ việc đó rất nguy hiểm và ngu ngốc”.
“Ông Poirot nghĩ sao ạ?”
“Thử thì cũng chẳng có hại gì. Tôi nghĩ A B C xảo quyệt lắm, hắn chả dại mà trả lời đâu”. Poirot hơi mỉm cười. “Anh Clarke ạ, tôi thấy - tôi không có ý làm anh phật lòng - nhưng anh vẫn còn non nớt lắm”.
Franklin Clarke có vẻ bối rối.
Anh ta nhìn quyển sổ ghi chép rồi nói: “Ờ, chúng ta bắt đầu đi.
A - Cô Barnard và Milly Higley.
B - Anh Fraser và cô Higley.
C - Con nít ở Andover.
D - Quảng cáo”.
“Tôi không thấy ý nào hay cả nhưng dù sao chúng ta cũng có cái gì đó để làm trong khi chờ đợi”.
Anh ta đứng dậy và vài phút sau cuộc họp giải tán.
Chú thích:
[1] Ý kiến hay.
[2] Cũng giống nhau thôi.